Link Video: https://youtu.be/kOcEtElJjGw
Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa phản bác tuyên bố của tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam về sự lây lan của đại dịch COVID-19 giữa hai nước và yêu cầu vị tướng này phải đưa ra lời xin lỗi, theo truyền thông Campuchia.
Ông Hun Sen đưa ra lời phản bác được xem là mạnh mẽ tại một buổi lễ Khánh thành đưa Quốc lộ 11 vào sử dụng ở nước này, theo bản tin của hãng thông tấn Campuchia AKP được Khmer Times đăng tải hôm 6/12.
Người đứng đầu chính phủ Campuchia, nước có đường biên giới dài khoảng hơn 1.200km với Việt Nam, nói rằng COVID-19 “lan từ Campuchia sang Việt Nam như Sông Mekong là không đúng sự thật, mà là ngược lại.”
“Tôi muốn gửi thông điệp tới phía Việt Nam,” ông nói. “Đây là sự sỉ nhục mà tôi không thể chấp nhận.”
“Những nhận xét của vị tướng này rằng đại dịch Covid-19 tràn từ Campuchia sang Việt Nam là không thể chấp nhận,” ông Hun Sen nói.
“Đó là sự sỉ nhục đối với Campuchia, điều đã thúc đẩy tôi trong việc bắt đầu chương trình tiêm chủng, đến nay đã đạt mức phủ vaccine 88% toàn bộ dân.”
Theo báo Khmer Times, ông Hun Sen cho biết nhận xét của tướng Hoàng Xuân Chiến được đưa ra vào ngày 10 tháng 3 năm ngoái và ông đã yêu cầu chính phủ Việt Nam giáng chức ông nhưng thay vào đó ông Chiến được thăng chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ông Hun Sen nói thêm rằng các nhận xét của tướng Xuân Chiến đã được báo chí Việt Nam đưa tin.
Một bản tin cũ cho hay ngày 10/3/2020, tại TPHCM, có Hội nghị tăng cường công tác quản lý, bảo vệ biên giới, kiểm soát cửa khẩu và triển khai phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia.
Ông Hoàng Xuân Chiến, khi đó là Trung tướng và Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, chủ trì hội nghị.
Ông Hun Sen cho rằng lẽ ra tướng Xuân Chiến không đưa ra những nhận xét vô căn cứ vì Campuchia có tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc cao.
“Tôi nói về tướng Xuân Chiến. Phải chăng đại dịch Covid-19 đã lan từ Campuchia sang Việt Nam như lũ sông Mekong như lời nhận xét của tướng Xuân Chiến?”
Ông Hun Sen cũng cho biết ông đã yêu cầu chính phủ Việt Nam giáng chức tướng Xuân Chiến vì nhận xét vô căn cứ nhưng ông Chiến đã được thăng cấp và hiện là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam.
“Bây giờ, ông ấy phải xin lỗi người dân Campuchia,” ông Hun Sen nói.
“Campuchia là một quốc gia nhỏ, nhưng chúng tôi chưa bao giờ là nguồn lây bệnh cho Việt Nam, Thái Lan hay Lào”, ông Hun Sen khẳng định chắc nịch, đồng thời lưu ý rằng ông đang giải quyết vấn đề với cá nhân ông Chiến chứ không phải chính phủ hay người dân Việt Nam.
Báo The Phnom Penh Post cũng đưa tin này ngày 6/12, nói về sự giận dữ của ông Hun Sen.
Ông Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, được thăng hàm từ trung tướng lên thượng tướng, sau khi được bổ nhiệm vào vị trí thứ trưởng quốc phòng hồi tháng 7/2020.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA về phản bác cũng như yêu cầu xin lỗi của Thủ tướng Campuchia đối với vị tư lệnh của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Hun Sen, người được Hà Nội giúp lên nắm quyền sau khi đánh bại Khmer Đỏ vào năm 1979, nói rằng phản bác của ông đối với tuyên bố của vị tư lệnh Việt Nam “không phải nhằm chia rẽ Campuchia và Việt Nam” hay để phá vỡ mối quan hệ giữa hai nước, theo Khmer Times.
Thủ tướng Hun Sen khẳng định phản ứng của ông không phải là “để chỉ trích toàn thể nhân dân, nhà nước hay Đảng (Cộng sản) Việt Nam,” mà chỉ nhắm vào vị tư lệnh nói trên.
Ông nói nếu cá nhân đó “sửa” những gì mà ông cho là “sai” trong quá khứ thì sẽ làm ông vui trở lại.
Bình luận về vấn đề trên, chuyên gia nghiên cứu Campuchia, ông Tim Frewer cho RFA biết qua ứng dụng nhắn tin WhatsApp quan điểm của ông:
“Tôi nghĩ rằng Hun Sen đang cố gắng chứng tỏ rằng ông ta có khả năng kháng cự lại nhà nước Việt Nam. Ông ta có lẽ đã chờ đợi thời cơ phù hợp để thực hiện điều này, bởi phát ngôn của vị tướng bên phía Việt Nam đã xảy ra cách đây hơn một năm.
Hun Sen luôn luôn muốn phản bác lại những chỉ trích từ phe đối lập rằng ông ta là con rối của Việt Nam. Nhưng đồng thời lại không muốn làm ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế và chính trị với Việt Nam. Cho nên, có lẽ việc nhắm đến một vị tướng quân đội là một cách an toàn.”
Campuchia vốn là đồng minh thân cận của Việt Nam, tuy nhiên trong những năm gần đây, nước này tỏ ra xích lại gần hơn với Trung Quốc sau khi nhận được sự đầu tư và viện trợ khổng lồ, gần đây là viện trợ vắc-xin COVID-19 và dự án xây nhà máy sản xuất thuốc vắc-xin ngay tại quốc gia láng giềng với Việt Nam.
Toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia dài trên 1,240km qua 10 tỉnh – từ Kon Tum đến Kiên Giang – với 10 cửa khẩu quốc tế, hàng chục cửa khẩu phụ và nhiều lối mở.
Gần đây nhất hồi tháng 5, theo Bộ Y tế, lực lượng chức năng Việt Nam đã tạm giữ 21 người nhập cảnh trái phép qua các tỉnh Đồng Tháp và An Giang trên tuyến biên giới với Campuchia.
Quốc lộ 11 của Campuchia là dự án do Công ty Cầu Đường Trung Quốc phát triển với ngân sách từ khoản vay ưu đãi của chính phủ Trung Quốc, Tân Hoa Xã tường thuật.
Dự án hoàn thành trong vòng 30 tháng, sớm hơn 14 tháng so với kế hoạch.
Theo Sáng kiến Vành đai, Con đường, Trung Quốc đã giúp xây dựng nhiều cầu, đường và các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng tại Campuchia và các nước đang phát triển khác.
Trong lễ khai trương, ông Hun Sen cũng nhiệt thành cảm ơn phía Trung Quốc đã hỗ trợ Campuchia trang thiết bị y tế và vaccine phòng chống Covid-19.
Người Việt Nam ở nước ngoài phải ‘vượt biên’ về nước qua ngả Campuchia?
Nhiều công dân Việt Nam hoặc thân nhân của họ đang ở nước ngoài muốn về thăm người thân, du lịch nhưng vì chi phí cho các tuyến đi thẳng quá đắt đỏ, nhiều người phải về qua đường Campuchia.
Ngọc Minh, một người lao động ở Thái Lan kể với BBC News Tiếng Việt hôm 23/11 cô rất muốn về Việt Nam ăn Tết Nguyên Đán nhưng được báo giá trọn gói vé máy bay và cách ly tại khách sạn tầm 45 triệu VND:
“Tôi vẫn cần quay lại Thái Lan để làm việc nên tính tiền nhà vẫn phải trả ở Thái, tiền máy bay, tiền xét nghiệm khi quay lại Thái Lan, chi phí tổng cộng có thể lên đến 80 triệu VND.”
Bộ GTVT mới đây công bố kế hoạch thực hiện 3 giai đoạn mở cửa lại đường bay quốc tế trong năm 2022 trong đó giai đoạn một (từ tháng 11 tới cuối tháng 12), sát với dịp Tết Nguyên Đán.
Theo đó, Việt Nam vẫn áp dụng quy định cách ly 7 ngày đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ hai liều vaccine, 14 ngày đối với người chưa tiêm vaccine.
Hành khách cũng cần có kết quả âm tính với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.
‘Giải cứu hay thương mại đều siêu đắt’
Bên cạnh đó, các chuyến bay hồi hương lẫn thương mại từ các nước châu Âu, châu Á khá ít nên chi phí các chuyến này được người Việt Nam ở nước ngoài mô tả là “cao ngất ngưỡng” hay “giá trên trời“.
Trong khi đó, sau ngày 15/11, Campuchia đón khách du lịch đã tiêm đủ hai liều vaccine mà không phải bị cách ly 14 ngày. Nước này yêu cầu giấy chứng nhận vaccine, kết quả xét nghiệm âm tính với Covid bằng PCR 72 giờ đồng hồ trước khi nhập cảnh và kết quả xét nghiệm nhanh âm tính tại cửa khẩu.
Chính vì vậy, nhiều người đã mách nước cách về Việt Nam dịp Tết Nguyên Đán với giá cả phải chăng qua đường Campuchia.
Các bạn vừa xem bản tin của Thoibao.de tổng hợp từ đài VOA Tiếng Việt, BBC News Việt và các nguồn liên quan.
Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Nguồn gốc đáng xấu hổ của Dư luận viên từ Lịch sử Trung quốc
>>> Vì sao báo Nhà nước phải bỏ hình hoa hậu giơ ba ngón tay?
>>> Lập công ty ở Singapore: VinFast hô biến 355 Héc ta đất ưu đãi thành vốn nước ngoài
Cơ hội nào cho Việt Nam chuyển đổi dân chủ?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT