Link Video: https://youtu.be/pRdpyV1e2gw
Trước thực tế Đảng CSVN liên tục phải “xây dựng và chỉnh đốn” tuy nhiên tình trạng suy thoái đạo đức và tham nhũng chưa bao giờ giảm đi.
Là một Đảng viên đã đi đến quyết định công khai từ bỏ Đảng hồi năm 2016, GS Nguyễn Đình Cống đưa ra lý giải và phân tích thực trạng của Đảng CSVN trong giai đoạn hiện nay như sau:
Lãnh đạo Đảng CSVN đang loay hoay trước tình thế nguy hiểm của sự suy thoái. Cấp thiết phải củng cố, làm trong sạch đảng.
Họ cho rằng: “Chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người… Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp.
Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của đảng và sự tồn vong của chế độ… Nhiều vấn đề liên quan đến tham nhũng, lợi ích nhóm, có nguyên nhân từ đạo đức…
Nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của đảng…
Từ sự suy thoái về đạo đức, lối sống dẫn tới ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường…”
Tôi vừa trích một số câu rồi ghép lại. Trong đoạn đó có một số nhận định thiếu chính xác, thậm chí bị sai cơ bản.
Thứ nhất, họ chỉ thấy xây dựng Đảng là tổ chức và con người.
Điều đó đúng nhưng thiếu mất phần cơ bản, phần quan trọng nhất. Đó là học thuyết. Họ vừa kém trí tuệ, vừa kiêu ngạo và rất ích kỷ nên cố đặt cái thây ma đã mục rữa là học thuyết Mác Lê lên bàn thờ.
Họ cũng không thèm nghe những người chính trực mách bảo, can gián mà cam tâm bị bọn Trung Cộng lừa bịp với chiêu bài “cùng ý thức hệ”.
Chính vì thờ Mác Lê và họ ôm lấy Trung Cộng nên không thể nào xây dựng được một đảng trong sạch, vững mạnh.
Lý thuyết xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân do Lê-nin vạch ra từ đầu thế kỷ 20 đã thành rác rưởi hôi hám, chỉ là các vị quá quen rồi nên vẫn cứ ngửi thấy mùi thơm. Xin nghiên cứu thật kỹ, Đảng CSTQ chỉ mang tên CS nhưng thực chất không còn theo những điều cơ bản của Mác-Lê nữa.
Thứ hai, họ lo đến sinh mệnh của đảng và tồn vong của chế độ mà không quan tâm đến đất nước, đến dân tộc.
Thực chất đảng là tổ chức do họ lập ra để tạo lực lượng. Đảng hiện có gần 5 triệu người, trong đó khoảng 4 triệu rưỡi là đảng viên thường, chỉ có dưới 500 ngàn là cán bộ lãnh đạo các cấp.
Giả sử sinh mệnh của đảng có chuyện gì nguy hiểm thì chủ yếu ảnh hưởng đến quyền lợi tầng lớp lãnh đạo chứ đối với tuyệt đại đa số đảng viên thường chẳng có gì phải bận tâm.
Họ đưa sinh mệnh ra để hù dọa số đông đảng viên vốn ngây thơ tin vào họ.
Còn chế độ? Chế độ do lãnh đạo lập ra. Sự tồn vong của chế độ cũng chủ yếu là quan trọng đối với cán bộ đảng và những người ăn theo họ chứ đối với đại đa số đảng viên và nhân dân thì chế độ cộng hòa, dân chủ cộng hòa hay xã hội chủ nghĩa mà được yên ổn làm ăn được tự do tư tưởng, không bị áp bức… đều được chấp nhận.
Đa số nhân dân không cần cái tên “Chế độ XHCN” mà thực chất là sự độc tài toàn trị của ĐCS. Bỏ nó đi càng tốt.
Thứ ba, cho rằng tham nhũng, lợi ích nhóm có nguyên nhân từ đạo đức. Không sai, đó là nguyên nhân gần, trực tiếp. Nhưng nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân gốc ở đâu?
Tại sao lại chọn kẻ kém đạo đức làm cán bộ lãnh đạo. Hay là do cơ chế, đã làm lãnh đạo thì tự sinh ra kém đạo đức?
Không trả lời rõ vấn đề này thì vẫn còn loay hoay mãi mà vẫn không tìm được lối thoát.
Phải chỉ ra cho rõ rằng vì đường lối phản khoa học, phản tiến bộ trong việc dân chủ giả hiệu và sự độc quyền mới sinh ra bọn cán bộ thiếu đạo đức.
Thứ tư, nguy hiểm nhất, đó là nguy hiểm cho ai? Cho ĐCS hay cho dân tộc? Liệu lãnh đạo có dám đặt câu hỏi: Tại sao cán bộ và đảng viên lại phai nhạt lý tưởng, tại sao không kiên định con đường, tại sao lại làm trái quan điểm, đường lối của Đảng?
Phải chăng lý tưởng đã không còn hấp dẫn vì sai nhầm chỗ nào đó, con đường đã chệch hướng, quan điểm có gì trái quy luật, bị bế tắc. Nếu vậy thì những việc đó chẳng nguy hiểm mà chỉ có lợi cho cả Đảng và Dân tộc.
Có nguy hiểm chăng là cho một số người vì kém trí tuệ mà bảo thủ, mà kiên định những điều sai trái, những người không theo kịp thời đại, tham quyền cố vị mà Đảng cầm quyền chân chính cần loại bỏ.
Thứ năm là: Từ sự suy thoái về đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn.
Cho rằng từ suy thoái đạo đức dẫn tới tự diễn biến là một sai lầm không những do ngu muội mà còn đểu cáng.
Không có “sự dẫn tới” như vậy dù là bước ngắn hay quá trình lâu dài.
Tự diễn biến bậc cao là những người có thời gian dài ở trong Đảng, hiểu biết khá rõ về độc hại của Chủ nghĩa Mác Lê và những điều sai trái không thể sửa chữa của Đảng, họ tuyên bố công khai việc từ bỏ Đảng, họ phản biện Mác Lê và đường lối cộng sản.
Họ là những người được xếp vào loại “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo hèn không thể chuyển lay, bạo lực không thể khuất phục”.
Vu cáo những người như thế là suy thoái đạo đức để xếp họ cùng với bọn tham nhũng, cửa quyền, làm giàu bất chính là hành động của bọn người vô liêm sỉ.
Làm cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao xin hãy tu tâm dưỡng tính để có được trí thông tuệ, tâm trong sáng, lòng từ bi, bao dung, xóa bỏ được bất minh, uốn lưỡi trước khi nói, suy nghĩ kỹ trước khi viết, biết hổ thẹn và sửa chữa khi phạm sai lầm, biết nghe những lời phản biện, biết rút lui kịp thời.
Như thế mới mong để lại chút tiếng thơm trong lịch sử.” GS Nguyễn Đình Cống nêu nhận định.
Trước những phiên tòa phi nhân tính của nhà cầm quyền liên tục trong tuần qua với các nhà đấu tranh vì quyền tự do báo chí chống lại áp bức của chính quyền độc tài Cộng sản Việt nam, nhà văn Phạm Thị Hoài nêu nhận định về các sự kiện chấn động này như sau:
“Không có gì ô danh một dân tộc văn hiến hơn là khoanh tay chấp nhận sự cai trị của một tập đoàn lãnh đạo vô trách nhiệm và chỉ tuân theo những bản năng tăm tối.
Chẳng phải mỗi con người trung thực ở đất nước này đều hổ thẹn vì chính phủ của mình đó sao, và ai lường nổi nỗi nhục trút xuống đầu con cháu chúng ta sẽ lớn đến mức nào khi bức màn che mắt chúng ta rơi xuống và những tội ác ghê tởm nhất và vượt xa mọi giới hạn sẽ được đưa ra ánh sáng?
“Nếu dân tộc này đã tha hóa và phân rã trong bản tính sâu thẳm nhất của mình, đến mức một ngón tay cũng không buồn đụng đậy, từ bỏ ý chí tự do, điều cao quý nhất mà con người sở hữu và nhờ đó mà đứng trên mọi loài vật – nếu dân tộc này đã mất hết mọi phẩm giá cá nhân và chỉ còn là một đám đông vô hồn và hèn nhát, vâng, nếu vậy thì dân tộc ấy xứng đáng diệt vong.”
Đó là lời của cô sinh viên 21 tuổi Sophie Scholl trong một tờ truyền đơn kêu gọi người Đức chống lại chính quyền Đức Quốc xã. Cô bị bắt, bị Tòa án Nhân dân Munich kết án tử và hành quyết bằng máy chém.
Sau bản án 9 năm cho Phạm Đoan Trang, những lời hão huyền và thậm chí ru ngủ lại vang lên, rằng ngày tàn của chính quyền bạo chúa đã đến rất gần vì nó đã mất hết tính chính danh, rằng chính quyền ấy đang đứng trước vành móng ngựa của lịch sử, rằng chế độ ấy không kịp bóc lịch trước khi Trang mãn án.
Trái với mọi tiên đoán, xu hướng bạo chúa trên toàn thế giới không suy giảm.
Ngược lại. Hà Nội điềm nhiên ra những bản án như vậy – hôm nay, một ngày sau Trang, hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm bị kết án tù 10 và 6 năm trong phiên tòa vỏn vẹn một buổi sáng – cũng vì thấy mình vững chân trong trào lưu bạo chúa đang cường thịnh và trong bối cảnh phe dân chủ đang thoái trào.
Hai năm sau khi chém đầu Sophie Scholl, Đức Quốc xã sụp đổ, song chủ yếu không bởi sức phản kháng của người Đức, mà do thua trận trước phe Đồng minh.
Còn bây giờ, lịch sử đang bỏ mặc người Việt.
Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Vụ nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án: Bộ Ngoại giao Mỹ và quốc tế phản đối
>>> Hiệp hội Nhà xuất bản Quốc tế: ‘Kính phục Đoan Trang, lên án chính phủ Việt Nam’
>>> Dốt nát cộng với độc đoán sẽ thành giết người
Tòa Hà Nội tuyên 16 năm tù đối với hai người “lên tiếng mạnh vụ Đồng Tâm”
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT