Đấu giá đất Thủ Thiêm cao ngất ngưởng, người dân mất đất nói gì?

Link Video: https://youtu.be/gMi-3v_DoBE

Bốn lô đất rộng khoảng hơn 30 ngàn m2 thuộc khu chức năng số 3, phía bắc Khu đô thị mới Thủ Thiêm – TPHCM vào cuối tháng 12 năm 2021 đã được đấu giá thành công với mức giá 37.350 tỷ đồng, cao gấp bảy lần giá khởi điểm.

Công ty trúng đấu giá cao nhất là công ty Ngôi Sao Việt, một công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trúng lô đất 3-12, diện tích 10.059,7m2 với giá 24.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,4 tỷ đồng mỗi mét vuông.

Ba công ty còn lại là Công ty Bình Minh trúng 5.009,1m2 với giá 5.026 tỷ đồng; Công ty Sheen Mega 8.500m2 với mức 4.000 tỷ đồng; Công ty Dream Republic 6.446m2 với mức 3.820 tỷ đồng.

Ông Lung, người nhiều lần ra tận trung ương để khiếu nại về vấn đề Thủ Thiêm, nói với RFA hôm 7/1:

Việc đấu giá đó mình thấy cũng bất ngờ, mình cũng không biết nó sẽ như thế nào trong cuộc đấu giá này, và cũng đang theo dõi.

Việc giá cao đột biến như vậy làm cho đất đai khu vực xung quanh đóng băng luôn, người dân mua bán gì cũng không được… vì người ta cứ dòm theo chuyện đấu giá đó không à…

Còn những bà con chưa được đền bù tái định cư thấy giá cả vậy cũng bức xúc, hồi đó bồi thường người ta thấp, bây giờ đấu giá cao quá.”

Ngay sau cuộc đấu giá, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng đất đấu giá ở Thủ Thiêm cao là vô cùng bất thường.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đấu giá có thể thu được giá cao hơn, nhưng giá cao như ở Thủ Thiêm vừa qua là vấn đề.

Ông Tùng cho rằng, nếu quy định giá đất trong luật sát với thị trường thì sự chênh lệch khi đấu giá không thể quá lớn.

Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thì cho rằng, đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.

Ảnh: bốn lô đất được đấu giá ở Thủ Thiêm

Anh Nguyễn Đình Đệ, một người dân mất đất ở Thủ Thiêm, khi trả lời RFA hôm 7/1, nói:

Giá đất Thủ Thiêm hiện vài trăm triệu một mét vuông, 400-500 triệu, 600-700 triệu… là chuyện không ngoài dự tính.

Chỉ cách một con sông mà bên kia là một tỷ rưỡi, một tỷ sáu, thì bên này sáu bảy trăm triệu là bình thường.

Còn chuyện người ta đấu thầu mua tới 2,4 tỷ một mét đó là quyền của người mua. Họ thấy tầm nhìn chiến lược của nó nên họ đầu tư. Theo tôi thì giá đó hơi cao, chứ lũng đoạn thì cũng không đâu…

Chẳng qua họ lấy đất của dân đền có 150 ngàn mỗi mét đất ruộng, còn đất nhà thì mười mấy hai chục triệu… giờ bán mấy trăm triệu đến hai tỷ mấy nên mấy ổng ngại… rồi giả bộ làm động thái đó, đó là sự giả dối…”

Theo anh Đệ, chính quyền đã giả dối, không muốn nhìn vào sự thật là đất của người dân Thủ Thiêm bị cướp nó giá trị đến mức độ nào?

Cấp Ủy lơ đi, rồi tuồn đất đó lại cho những sân sau, móc ngoặc để chia chác nhau đất của dân Thủ Thiêm.

Anh Đệ cho rằng, bây giờ quan chức chính quyền nói việc đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua là bơm giá, lủng đoạn thị trường là phiến diện, chỉ nhìn theo cách của họ…

Chẳng qua họ lấy đất của dân đền với giá rẻ quá, giờ mắc cỡ với dân.

Ảnh: người dân Thủ Thiêm suốt 20 năm sống dở chết dở vì chính sách cưỡng chế đất đai bất công, mỗi lần trả lời báo chí đều bật khóc trong đau khổ

Còn ông Cao Thăng Ca, một người dân Thủ Thiêm thì cho rằng, việc đấu giá đất cao là kịch bản để thu bù ngân sách:

Việc đấu giá 2,4 tỷ này là để thu về cho ngân sách 37 ngàn tỷ, để TPHCM đủ trả lại cho ngân sách Nhà nước.

Những người tham gia đấu giá này theo tôi là tàn dư của nhóm lợi ích Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang… muốn trả lại cho nhà nước để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo thông báo kết luận 1483 của Thanh tra Chính phủ.

Chứ thực tế đất ở đó 500 triệu là hết cỡ, vì hiện nay giá đất mặt đường Trần Não mà chỉ bốn năm trăm triệu, còn đất đường Nguyễn Cơ Thạch ngay chân cầu Thủ Thiêm cũng chỉ năm sáo trăm triệu.

Cho nên giá 2,4 tỷ là không thể tưởng tượng được nhóm lợi ích sẽ thao túng và làm hại cho nhà nước như thế nào?”

Liên quan việc nhiều quan chức nhà nước lên tiếng về vụ đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua, ông Cao Thăng Ca cho rằng:

Họ nói thì nói thôi chứ TPHCM đã phê chuẩn rồi kết quả đấu giá rồi, đã cho các công ty trúng đấu trá ký hợp đồng với thành phố rồi. Họ có lên tiếng thì chỉ để đó, còn tập đoàn tham nhũng phá nát Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn đang mạnh lắm.

Thành ra họ làm gì làm chẳng cần để ý đến ai đâu, không cần luật pháp, không cần ý kiến nhân dân, không cần nghe ý kiến trung ương mà tự động làm.

Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền, đó là phương châm của nhóm tham nhũng ở TPHCM.”

Sau vụ đấu giá 30.000 mét vuông đất ở Thủ Thiêm, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào ngày 21/12 đã ban hành Công điện 1767 yêu cầu các bộ ngành, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Tuy nhiên ông Thủ tướng không nói cụ thể về việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm.

Mục sư Nguyễn Hồng Quang xác nhận với RFA đất đấu giá ở Thủ Thiêm thuộc phường ông có đất trước đây:

Họ đấu giá đất ở phường An Khánh là phường của tui, họ đấu giá đất như vậy do họ có cái nhìn xa thôi, chỗ đó phê duyệt là trung tâm tài chính thế giới.

Trong kinh tế thị trường thì còn vấn đề cung cầu nữa, cung không có mà cầu lớn quá, mà bán đảo Thủ Thiêm thì đẹp lắm.

Người dân Thủ Thiêm họp cũng có nói qua việc họ định giá như vậy, đã xác định tài sản của dân mất đi là tài sản có giá trị…

Để xây dựng chính sách đền bù thì phải điều chỉnh sao cho phù hợp, bảo đảm lợi ích của nhà nước, dân, và nhà đầu tư…

Chứ nhà đầu tư và nhà nước quá nhiều, còn nhà dân thì sao?”

Theo Mục sư Nguyễn Hồng Quang, điều này trái với nguyên tắc của chế độ Cộng sản Xã hội Chủ nghĩa, mà đảng cộng sản đã cam kết với dân là bình đẳng công bằng.

Đấu giá đất nghìn tỷ tại Thủ Thiêm: Ai là nạn nhân của cơn “địa chấn”?

Ảnh: Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp ở tổ chiều 4/1 cho rằng, đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.

Bỏ qua những oan ức của người dân Thủ thiêm vẫn chưa có lời đáp, thì hầu hết các báo đều đưa tin rằng giá bất động sản đồng loạt tăng vọt và giá cổ phiếu cũng tăng kịch trần, có công ty vẫn làm ăn trì trệ tự nhiên cổ phiếu tăng gấp 10 lần, đây là diễn biến lạ lùng có tính chất nhiễu loạn, giống như lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã phát biểu.

Tuần qua, bên cạnh từ khóa về thổi giá kit xét nghiệm COVID-19, một từ khóa khác cũng đáng chú ý là dấu hiệu thổi giá đất mà các dấu hiệu này liên quan đến ngày 10/12 vừa qua TP Hồ Chí Minh tổ chức bán đấu giá thành công 4 lô đất rộng khoảng hơn 30.000 m2 thuộc khu chức năng số 3 khu dân cư phía Bắc, khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đáng chú ý số tiền thu được từ phiên đấu giá này là 37.350 tỷ đồng, cao hơn gấp nhiều lần giá khởi điểm. Đây là mức giá cao kỷ lục của thị trường bất động sản Việt Nam như nhiều tờ báo nhận định.

Con số trên khiến nhiều người giật mình tự hỏi đây chắc phải là giá đất của một trong những nơi có bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Vậy những tác động ngay lập tức của phiên đấu giá đất Thủ Thiêm lên thị trường là như thế nào?

Các dự án dừng bán hàng để điều chỉnh giá

Báo Thanh niên phản ánh, tại Khu đô thị Sala Thủ Thiêm, nền biệt thự 447 m2 chào bán với giá 147 tỷ đồng thì nay sau phiên đấu giá đất chủ đất đã báo giá tăng lên 230 tỷ đồng.

Các nền tại dự án đều tăng 40 – 50 tỷ đồng, thậm chí tăng 100% sau vụ đấu giá kỷ lục của nhóm nhà đầu tư.

Hội Môi giới Bất động sản phía Nam cho biết, các dự án ngay lập tức dừng lại không bán hàng để nghe ngóng thông tin, điều chỉnh giá bán sao cho phù hợp với tình hình mới.

Các chuyên gia cho rằng, bản chất bất động sản tăng trưởng từ trước đến nay rất bền vững, không tăng vọt như mới đây. Do vậy, mức giá quá cao này có thể làm tê liệt giao dịch.

Minh bạch để trị sốt đất ảo

Ở một góc nhìn khác về phiên đấu giá đất Thủ Thiêm, báo Vietnamnet cho rằng đây là thời điểm đánh dấu cho việc hết thời bán đất công giá rẻ – một trong những hành vi tham nhũng khiến cho nhiều cán bộ phải hầu tòa thời gian gần đây.

Bài viết phân tích, việc trúng thầu công khai lô đất này mang đến pháp lý rõ ràng, minh bạch thông tin, không phát sinh khiếu nại sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng triển khai và huy động vốn, đối tác hoặc khách hàng cũng yên tâm hợp tác hay đăng ký mua sản phẩm. Đặc biệt, họ không phải trải qua công tác đền bù giải tỏa thường gặp rất nhiều trở ngại.

Sau gần 2 năm chống dịch, thất nghiệp tăng thu nhập giảm, tài chính cá nhân đa số cạn kiệt.

Vì vậy báo Thanh niên cho rằng hình ảnh dòng người xếp hàng từ sáng đến tối để chốt lô chốt nền, sang tay nhận cọc là “kịch“.

Người dân nên cảnh giác và không nên bị cuốn vào vì dễ mất tiền như chơi.

Do vậy cần một thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Thay vì chạy theo các cơn sốt đất ảo, nghĩa là các cơn đất ảo bùng lên mới tuyên bố khuyến cáo, chính quyền các địa phương hãy minh bạch thông tin về quy hoạch, dự án ngay từ đầu.

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Câu chuyện ‘Thiền Am’: Lịch sử lặp lại

>>> VinFast thôi sản xuất xe xăng, nhiều người nói ‘mất lòng tin’ về hãng

>>> Chặn cửa khẩu Việt-Trung: Bắc Kinh muốn gửi tín hiệu ‘răn đe’ tới Hà Nội’

Các vấn đề không thể che giấu xung quanh vụ Việt Á


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT