Việt Nam biện minh về phiếu trắng cho nghị quyết Liên Hợp Quốc đòi ngừng cuộc chiến Ukraine

Link Video: https://youtu.be/WgkXHFF6Yd0

Hôm 3/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu quan điểm về việc nước này bỏ phiếu trắng cho nghị quyết tại phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc nhằm yêu cầu Nga ngừng ngay lập tức cuộc xâm lược Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói tại một cuộc họp báo: “Quan điểm của chúng tôi là Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại về tình hình Ukraine”, theo báo chí Việt Nam.

Bà Hằng nhận xét rằng cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine đang ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Chúng tôi cho rằng, ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đàm phán đối thoại trên tất cả các kênh để đạt được các giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”, bà Hằng nói.

Các thành viên Liên Hợp Quốc biểu quyết về nghị quyết liên quan đến Ukraine trong cuộc họp khẩn cấp của Đại hội đồng tại trụ sở LHQ, ngày 2 tháng 3 năm 2022.

Ngày 2/3, Đại hội đồng LHQ tổ chức kỳ họp khẩn cấp bất thường về tình hình Ukraine và ra nghị quyết yêu cầu Nga ngay lập tức chấm dứt chiến dịch quân sự và “rút toàn bộ lực lượng vô điều kiện” khỏi lãnh thổ Ukraine.

Có 141/193 nước bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này. Năm nước bỏ phiếu chống gồm Nga, Belarus, Triều Tiên, Syria và Eritrea. Còn lại 35 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 1/3, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc phát biểu tại phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng LHQ rằng Việt Nam “hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine” và kêu gọi “kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để tránh thêm thương vong và tổn thất”.

Ông Giang cho rằng các cuộc chiến tranh và xung đột thường bắt nguồn từ “các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế”.

Ảnh: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, phát biểu trong phiên họp đặc biệt về Ukraine vào ngày 1/3/2022.

Từ Tp. Hồ Chí Minh, tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng học tập ở châu Âu và đang theo dõi tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine, nêu nhận định với VOA về phản ứng của Việt Nam:

Tôi nghĩ rằng chính phủ [Việt Nam] phải xử lý như vậy thôi bởi vì quan hệ Việt Nam – Nga rất sâu sắc, từ truyền thống cho đến hiện nay. Việt Nam và Nga có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cho nên trong tình huống như thế này thị họ cũng thông cảm và đành phải bỏ phiếu như vậy”.

Nhưng tuyên bố của Đại sứ Việt Nam tại LHQ cũng rất tích cực”.

Hôm 2/3, ngay sau khi Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng LHQ, Đại biện Lâm thời của Ukraine tại Việt Nam, bà Nataliya Zhinkyna, bày tỏ sự thất vọng.

Bà viết trên Facebook: “Trong số tất cả các thành viên ASEAN chỉ có Việt Nam và Lào đã bỏ phiếu trắng. Việt Nam ơi, quê hương thứ hai của tôi, tôi rất thất vọng”.

Cảm thông trước sự thất vọng của nhà ngoại giao Ukraine, ông Trần Tuấn Lộc ở Tp. Hồ Chí Minh viết: “Đúng là thất vọng! Dù ngay từ đầu tôi đã chắc đến 95% họ sẽ bỏ phiếu trắng, nhưng sau bài phát biểu có ngụ ý lên án Nga của đại sứ Việt Nam tại LHQ, tôi cũng hy vọng là họ sẽ bỏ phiếu lên án Nga. Nhưng họ đã không thay đổi cách tư duy vì lợi ích mà bỏ qua công lý và đạo lý!”

Nghị quyết của LHQ đã được thông qua, dù không có tính ràng buộc nhưng sẽ đóng vai trò như một dấu hiệu cho thấy nước Nga bị cô lập như thế nào trong cộng đồng quốc tế.

Ảnh: Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, phát biểu tại cuộc họp.

Hoa Kỳ, một trong các quốc gia đề xuất nghị quyết này lên Đại hội đồng LHQ, lên án cuộc tấn công quân sự của Nga nhắm vào Ukraine.

Trong một tuyên bố vào tối ngày 2/3, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói cuộc bỏ phiếu của LHQ đã công nhận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “tấn công vào chính nền tảng của hòa bình và an ninh toàn cầu – và vào mọi thứ mà Liên Hợp Quốc đại diện cho”.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân bỏ phiếu trắng hôm 2/3 và ông có bài phát biểu mang tính biện bạch về lập trường bỏ phiếu của Trung Quốc, cho biết: “Trung Quốc một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế kiên trì định hướng giải quyết chính trị, tạo bầu không khí và điều kiện có lợi cho hai bên trực tiếp đối thoại và đàm phán”.

Ông Trương Quân nói rằng LHQ và các bên liên quan áp dụng bất cứ hành động nào đều phải lấy hòa bình và ổn định khu vực làm trọng, lấy an ninh phổ biến các bên làm trọng, phát huy vai trò chính diện cho làm dịu tình hình và thúc đẩy giải quyết ngoại giao.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói với các phóng viên: “Chúng tôi không thấy bị cô lập. Lập trường của Moscow là hoạt động quân sự của Nga là để bảo vệ cư dân của các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine”. Nga cho rằng mình đang “tự vệ” theo Điều 51 của Hiến chương LHQ.

Nga đã phá hủy cơ sở hạ tầng thiết yếu, bao gồm nước uống và khí đốt cho hàng triệu người và dường như đang chuẩn bị gia tăng mức độ tàn bạo của chiến dịch chống lại Ukraine, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói trong một bài phát biểu trước Đại hội đồng.

Đây là một khoảnh khắc vô cùng khác thường,” bà Thomas-Greenfield nói. “Bây giờ, hơn bất lúc nào khác trong lịch sử gần đây, Liên hợp quốc đang bị thách thức,” bà nói và đưa ra lời kêu gọi: “Hãy biểu quyết ủng hộ nếu quý vị tin rằng các quốc gia thành viên Liên hợp quốc – bao gồm cả quốc gia của quý vị – có quyền đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Hãy biểu quyết đồng ý nếu bạn tin rằng Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình.”

Ảnh: Người tị nạn Ukraine vượt biên sang Medyka, Ba Lan.

Cũng như Trung Quốc và một số ít quốc gia trên thế giới, Việt Nam cho đến nay vẫn không gọi các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là “xâm lược” và chỉ bày tỏ lập trường chung chung đối với các hoạt động quân sự đang bị cả thế giới lên án do Tổng thống Vladimir Putin phát động tại Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn với VOA hôm 28/2, Đại biện Lâm thời của Ukraine ở Hà Nội, bà Nataliya Zhinkyna, nói bà hiểu Việt Nam muốn giữ thế trung lập nhưng cho rằng “đây không phải là thời điểm thích hợp” để làm như vậy.

Bà Nataliya Zhinkyna kêu gọi Việt Nam hãy “nêu đích danh kẻ xâm lược”, không chỉ trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam mà cả ở các diễn đàn quốc tế khác.

Tại Washington, trả lời câu hỏi của VOA hôm 28/2, Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói Mỹ “khích lệ tất cả các quốc gia – những nước chưa lên án hành động của Nga – thay đổi đường hướng của mình.

Phiên họp đặc biệt của Liên Hiệp Quốc bắt đầu từ ngày 28/2 – 2/3, với sự tham dự của khoảng 100 quốc gia thành viên.

Trong đó, bài phát biểu qua video của Tổng thống Ukraine, Volodyrmyr Zelenskyy, vào ngày 1/3 đã nhận được nhiều tràng vỗ tay liên tục từ cử toạ, trong khi hầu hết các nhà ngoại giao đã bỏ ra khỏi hội trường khi bài phát biểu trực tuyến của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vừa bắt đầu được phát lên.

Tại phiên họp này, đại diện của Đức đã đề cập đến một “kỷ nguyên mới” và “một thực tế mới”, đó là Tổng thống Vladimir Putin đã buộc tất cả các quốc gia trên thế giới “phải đưa ra quyết định kiên quyết và chọn phe”.

Chúng ta phải hành động có trách nhiệm và đoàn kết vì hòa bình”, nữ Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói. “Lúc này, tất cả chúng ta phải lựa chọn giữa hòa bình và xâm lược, giữa công lý và ý chí của kẻ mạnh, giữa hành động và nhắm mắt làm ngơ”.

Trong khi đó, đại diện của Cuba nói chính phủ nước ông bảo vệ luật pháp quốc tế, nhưng lưu ý rằng sẽ là bất khả thi trong việc phân tích một cách chặt chẽ và trung thực tình hình ở Ukraine mà không xem xét các yếu tố dẫn đến việc sử dụng vũ lực.

Quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc mở rộng phạm vi tiếp cận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến các biên giới của Liên bang Nga đã dẫn đến một kịch bản khó lường, vốn có thể tránh được.

Những chuyển động đó trong những tháng gần đây, bao gồm cả việc chuyển giao vũ khí vào Ukraine, tương đương với một động thái gọng kìm quân sự, và thật sai lầm khi phớt lờ yêu cầu của Liên bang Nga về những đảm bảo an ninh”, đại diện của Cuba nói, đồng thời bày tỏ lo ngại về việc NATO lần đầu tiên kích hoạt lực lượng phản ứng sau khi Nga tấn công Ukraine.

Triều Tiên, một quốc gia Cộng sản bị cô lập, thì cho rằng nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng Ukraine nằm ở chính sách bá quyền của Hoa Kỳ và phương Tây, vốn “tự cao tự đại và tùy tiện đối với các nước khác”.

Đại sứ Kim Song của Triều Tiên nhắc lại việc Mỹ và phương Tây “vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, Afghanistan và Libya” với lý do hòa bình và an ninh quốc tế và nói rằng thật là “lố bịch” khi các nước này đề cập đến việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong tình huống ở Ukraine.

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-bien-minh-ve-phieu-trang-cho-nghi-quyet-lhq/6468198.html

https://www.voatiengviet.com/a/6467056.html


>>> Con gái nuôi của Putin bỏ trốn!

>>> Putin cho phép tịch thu tiền của những người Nga giàu có

>>> 3.000 cựu binh Mỹ tham chiến tại Ukraine – Chiến đấu cho chính nghĩa

Nga xâm lược Ukraine: 5 kịch bản kết thúc chiến tranh có thể xảy ra


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT