Tham nhũng ở Việt Nam từ vài chục năm nay đã là quốc nạn, quan tham ăn từ trên xuống dưới, “ăn không chừa một thứ gì”. Tham nhũng từ lớn đến bé, từ các loại quỹ ở tổ dân phố, đến các khoản phí vô lý trong trường học, từ “ổ bánh mì” của công an giao thông, đến những khoản bôi trơn của các đại dự án… tất cả làm cho người dân chán nản và phẫn nộ. Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện với cái “lò chống tham nhũng” dường như là cứu cánh cho một xã hội đang bế tắc, và vì vậy, ông Trọng được tung hô lên tận mây xanh.
Nhưng, đã gần 10 năm kể từ khi khởi xướng “công cuộc đốt lò”, tham nhũng vẫn không hề suy giảm, thậm chí, mức độ nguy hại còn tăng lên. Không ai có thể phủ nhận vai trò của ông Tổng Bí thư trong việc hình thành và thúc đẩy ý thức chống tham nhũng. Tuy nhiên, kết quả cho đến nay chỉ mới dừng lại ở niềm tin có thể chống được tham nhũng, chứ người dân chưa thấy được hiệu quả thực sự của công cuộc này. Bởi vì, cái lò của ông Trọng càng đốt, thì mức độ tham nhũng càng xuất hiện ở cấp cao hơn, các đại án càng lớn hơn. Thậm chí, tham nhũng bây giờ không cần che dấu, mà kết thành bè đảng, thể hiện tính tổ chức, xuyên suốt và len lỏi từ tầng lớp chóp bu xuống đến từng ngóc ngách thấp nhất của hệ thống quyền lực.
Có thể nói, để đối phó với nạn tham nhũng ở Việt Nam, không thể chỉ cần một trung tâm quyền lực dám đánh và dám thắng, như cách mà ông Nguyễn Phú Trọng đang làm. Mà cần phải có một sự thay đổi về căn bản, về gốc rễ, nghĩa là, cần phải có một hệ thống quyền lực được phân chia rõ ràng và độc lập lẫn nhau, có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ và minh bạch.
Liệu Đảng có dám thực hiện điều này để thực sự loại bỏ tham nhũng hay không?
Trở lại vụ việc hai ông Phó Thủ tướng vừa mới bị quyết định cho thôi chức vụ, dư luận cần một lời giải thích chính thức rằng, vì sao các ông bị cho thôi chức vụ và diễn biến của quá trình đốt lò là như thế nào? Truyền thông chính thống chỉ thông báo, Trung ương nhất trí cho hai ông thôi các chức vụ lãnh đạo chứ không giải thích vì sao. Dư luận thì rỉ tai nhau rằng, hai ông là trùm cuối của 2 đại án tham nhũng xảy ra trong thời gian đại dịch. Nhưng phải chăng đó chỉ là cái cớ để hạ nhiệt cơn phẫn uất của công chúng?
Mức độ phá các đại án khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu có thể đốt hết củi hay không? Hay ngược lại, áp suất đốt lò quá lớn, đến một lúc sẽ khiến Đảng phải rút củi dưới đáy nồi? Việc truy đuổi “trùm cuối” cũng sẽ dẫn đến những rủi ro chính trị, có thể dẫn đến mất kiểm soát. Tuy ở một mức độ nào đó, các quan tham thực sự ngán lò lửa của ông Trọng, nhưng điều đó cũng không chứng minh được, ông Trọng đã thực sự chống được tham nhũng. Và rủi ro sẽ xảy ra khi có một thanh củi đủ mạnh để đốt ngược lại cái lò.
Việc đốt lò cũng dẫn đến một vấn đề, đó là công lý. Khó có thể xác định rõ ràng ranh giới giữa một quan chức bị quy trách nhiệm vì buông lỏng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng, và một quan tham bị xác định chính xác đã “ăn” tiền. Cũng khó có thể xác định mức độ gây hại giữa ông quan “bị lộ” và ông quan “chưa bị lộ”. Như vậy, đâu là công lý giữa trách nhiệm của quan chức với người dân, và đâu là công lý giữa các quan chức trong hệ thống. Đó là chưa nói đến công lý giữa nhóm tội phạm tham nhũng với nhóm tội phạm khác.
Do đó, vấn đề là không thể chỉ chăm chăm đi tìm “trùm cuối”.
Trong thể chế chính trị Việt Nam hiện hành, rất khó để có thể quy trách nhiệm chính trị cho một cá nhân, bởi vì, cơ chế của Việt Nam là ra quyết định tập thể. Ông Trọng đã từng thất bại khi muốn quy kết trách nhiệm về một số vụ bê bối cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng nay ông lại thành công trong việc quy trách nhiệm cho ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Chỉ vì, bây giờ quyền lực trong tay ông Trọng đã lớn hơn lúc trước, và bản lĩnh của 2 ông Minh và Đam không thể bằng ông Dũng.
Dường như, đã mệt mỏi với chiến dịch “đốt lò”, ông Nguyễn Phú Trọng đang khởi động một tiến trình chính trị mới, đó là: Khuyến khích quan chức chủ động từ chức vì trách nhiệm. Để thực hiện tiến trình này, tất nhiên sẽ phải trải qua một quá trình thương lượng, hợp tác và thỏa hiệp đôi bên, đánh đổi chức vụ để đổi lấy một sự bảo toàn nào đó.
Điều này cũng đồng nghĩa là, người dân đừng chờ đợi xem ai là “trùm cuối” tham nhũng. Tất cả chỉ là chuyện bí mật cung đình mà thôi.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)