Phúc thụt Lâm trám. Gay cấn! Tô Lâm lại đang sợ “dớp” Trần Đại Quang

Một nguồn tin nội bộ cho chúng tôi biết, ngày 17/1 sắp tới sẽ là ngày Trung ương Đảng họp bất thường để giải quyết trường hợp “từ chức” của ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Hiện nay, ghế Chủ tịch nước là ghế yếu nhất trong Tứ Trụ vì nó “hữu danh vô thực”. Tuy nhiên, không phải “hữu danh vô thực” mà không ai thèm ngó ngàng, ghế này sẽ là cứu cánh cho sự nghiệp chính trị của nhiều người.

Theo quy định của Đảng Cộng sản thì người tái cử vào Ủy viên Bộ Chính trị phải không quá 65 tuổi. Tuy nhiên, nếu vào được Tứ Trụ thì sẽ được hưởng thêm “suất đặc biệt”. Nghĩa là, nếu có đủ sức khỏe và năng lực thì 4 ông Tứ Trụ có thể ở lại Bộ Chính trị cho đến khi nào Đảng “tống cổ” đi. Điều luật này do ông Nguyễn Phú Trọng tạo ra để phục vụ cho chính ông. Chính ông Trọng đã hưởng 2 lần “suất đặc biệt” này. Người thứ nhì được hưởng là ông Nguyễn Xuân Phúc, khi Nguyễn Xuân Phúc “trúng cử” vào ghế Chủ tịch nước, ông đã bước sang 66 tuổi.

Ứng viên số 1 thay Nguyễn Xuân Phúc

Thực ra ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ là “ăn ké” ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, vì vụ đại án Việt Á mà ông Phúc đã phải gãy gánh giữa đường và phải nhường ghế lại cho người khác. Như vậy, câu hỏi đặt ra là, ai sẽ là người thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc để ngồi vào ghế Chủ tịch nước?

Ứng cử viên nặng ký nhất là ông Tô Lâm – Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an. Người thứ nhì là ông Võ Văn Thưởng, nhưng ông Võ Văn Thưởng còn trẻ và khả năng giành ghế này không cao.

Ông Tô Lâm sinh năm 1957, hiện nay 66 tuổi, đã quá tuổi để ở lại Bộ Chính trị. Đến năm 2026, ông Tô Lâm đã là 69 tuổi, lúc đó ông sẽ tự động bị loại ra khỏi Bộ Chính trị vì giới hạn tuổi. Có một cách duy nhất để ông Tô Lâm có thể ở lại Bộ Chính trị, đó là phải ngồi bằng được vào chiếc ghế Chủ tịch nước mà ông Nguyễn Xuân Phúc để lại. Vậy câu hỏi đặt ra là, ông Tô Lâm đang có ý như thế nào, và ông Nguyễn Phú Trọng có ý như thế nào?

Những gì đằng sau cái chết ông Trần Đại Quang khiến Tô Lâm đang cân nhắc

Nguồn tin cho chúng tôi biết, ông Nguyễn Phú Trọng có ý muốn đưa Tô Lâm vào vị trí mà ông Nguyễn Xuân Phúc để lại. Mục đích chính là để cứu lấy sự nghiệp chính trị cho Tô Lâm sau 3 năm nữa. Và đó cũng là để trả công cho những năm tháng tận tụy của Tô Lâm, giúp ông Nguyễn Phú Trọng tóm nhiều củi gộc, củi khó, quăng vào lò. Hành động sang Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được ông Nguyễn Phú Trọng đánh giá rất cao, và nhờ đó ông không truy cứu về hình ảnh ăn “thịt bò dát vàng” của Tô Lâm.

Có lẽ, ông Tô Lâm nên mừng mới đúng, vì chiếc ghế này sẽ là cứu cánh tuyệt vời cho sự nghiệp chính trị của ông. Tuy nhiên, nguồn tin cũng cho biết, ông Tô Lâm đang lưỡng lự, không biết không biết nên gật hay nên lắc với chiếc ghế này? Bởi vì, nếu Tô Lâm từ bỏ chức Bộ trưởng Bộ Công an, chẳng khác nào khỉ ra khỏi rừng. Sức mạnh của Tô Lâm bao lâu nay sẽ không còn nữa và Tô Lâm chỉ còn làm vật trang trí cho bộ máy chính quyền.

Ông Nguyễn Phú Trọng đang muốn cơ cấu ông Tô Lâm vào ghế Chủ tịch nước

Còn một lý do nữa khiến Tô Lâm chưa chịu gật, đó là, ông khá mê tín. Tuy trong tay có hàng vạn lính với vũ khí hiện đại nhưng ông Tô Lâm vẫn sợ. Ông sợ cái dớp trên chiếc ghế Chủ tịch nước lại vận vào ông. Bắt đầu từ ông Trần Đại Quang, ông Quang đã tắt thở khi “mông vẫn còn dính ghế”. Kế nhiệm ông Trần Đại Quang là ông Nguyễn Phú Trọng, ông Trọng cũng xém “chầu Diêm Vương” trong chuyến kinh lý Kiên Giang năm 2019, tại tỉnh nhà của ông Nguyễn Tấn Dũng. Người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng là ông Nguyễn Xuân Phúc thì lại gãy gánh giữa đường. Trường hợp ông Phúc được cho là tháo chạy kịp thời để “bảo toàn tính mạng”.

Ngồi vào ghế Chủ tịch nước thì ông Tô Lâm có cơ hội tiếp tục ở Bộ Chính trị sau năm 2026. Nếu không thì sẽ hết cơ hội ở Bộ Chính trị sau 3 năm nữa. Nhưng nếu ngồi vào ghế Chủ tịch nước, thì e dính cái “dớp” không đẹp đẽ gì ở chiếc ghế này. Cái dớp Trần Đại Quang để lại được giới mê tín trong Bộ Chính trị cũng ngán ngại. Vậy ông Tô Lâm ngồi hay không ngồi? Câu trả lời sẽ có trong thời gian tới.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)