Chiều ngày 17/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Nguyễn Xuân Phúc, ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch nước Việt Nam. Cuộc họp đã quyết định cho ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức Chủ tịch nước vì “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự”, thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương viết.
Dấu ấn chính trị mà ông Phúc để lại, có lẽ là khái niệm “Chính phủ kiến tạo” được xây dựng khi ông làm Thủ tướng. Khái niệm này được đánh giá là mới, so với “Chính phủ điều hành” trước đó. “Chính phủ kiến tạo” này có bốn đặc điểm chính là:
- Chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật, chính sách, thể chế tốt để nuôi dưỡng phát triển kinh tế chứ không chỉ điều hành trên những gì pháp luật có sẵn;
- Nhà nước không làm thay thị trường;
- Kiến thiết môi trường kinh doanh thuận lợi;
- Siết chặt kỷ luật cán bộ, xây dựng chính quyền điện tử.
Về kinh tế, trong nhiệm kỳ Thủ tướng của mình, ông Nguyễn Xuân Phúc đã làm giảm nợ công từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ, xuống còn 55,3% GDP. Nợ công cũng được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn, chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước với kỳ hạn dài hơn và chi phí thấp hơn, nợ xấu còn 3%. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD, thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân. Như vậy, có thể nói, ông Phúc điều hành kinh tế tốt hơn người tiền nhiệm của mình là Nguyễn Tấn Dũng.
Một việc làm tốt nữa của ông Nguyễn Xuân Phúc cần kể đến là, trong vai trò Chủ tịch nước, ngày 15/9/2022, ông đã ký quyết định ân giảm với tử tù Đặng Văn Hiến, từ án tử hình xuống án chung thân. Ông Đặng Văn Hiến được xem là một trong những tử tù oan nổi tiếng của Việt Nam. Ông đã bị tuyên án tử hình về vụ tranh chấp đất đai giữa người dân với công ty Long Sơn tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Phúc, tuy không còn những “quả đấm thép” như trong nhiệm kỳ của ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng, vai trò dẫn dắt nền kinh tế đã chuyển từ những tập đoàn kinh tế nhà nước, sang những tập đoàn kinh tế tư nhân, thoạt nghe thì có vẻ là sự tiến bộ, nhưng những tập đoàn này còn tàn phá nặng nề hơn những tập đoàn trước. Việc thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu bung bét trong năm 2022 chính là hậu quả của những chính sách quản lý kinh tế quá dễ dãi của ông Phúc. Ông Phúc cần chịu trách nhiệm cả cho những điều này.
Theo kế hoạch, ngày 18/1, Quốc hội sẽ họp bất thường để làm thủ tục miễn nhiệm Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Hiện dư luận Việt Nam đang quan tâm xem, ai sẽ lên giữ chức hoặc kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch nước trong những ngày tới.
Các tiêu chuẩn đối với chức danh Chủ tịch nước, được xác định theo quy định 214-QĐ/TW năm 2020. Ngoài những yếu tố chung chung, mơ hồ, khó xác định như: “Thật sự tiêu biểu, mẫu mực về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; không bị chi phối bởi sự can thiệp, sức ép bên ngoài và lợi ích nhóm; hiểu biết sâu rộng tình hình đất nước, khu vực và thế giới; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, am hiểu sâu sắc về xã hội…”, thì Quy định này còn có điểm cụ thể:
– Là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên;
– Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương.
Chúng ta sẽ biết ai ngồi vào ghế Chủ tịch nước nhanh thôi.
Ý Nhi – thoibao.de (Tổng hợp)