Chế “số nổ” và cái Tết khổ

Theo con số của Tổng cục Thống kê đưa ra, nền kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 8,02%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Được biết, con số này cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng chính thức nằm trong khoảng từ 6,0% – 6,5%.

Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất châu Á, bỏ xa Thái Lan. Tuy nhiên, đời sống xã hội người dân Thái Lan không có khó khăn như Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp gia công của Việt Nam đã hết đơn hàng từ tháng 9/2022, làm cho rất nhiều công ty phải sa thải công nhân, tinh giảm bộ máy, và rất nhiều doanh nghiệp cho dân nghỉ tết sớm.

“Số nổ” tăng trưởng của nền kinh tế là 8,02%

Ở Việt Nam, có đến 800 tờ báo làm công tác tuyên truyền mị dân, có cả bộ máy giáo dục cũng được trưng dụng cho mục đích tuyên truyền. Và giờ đây, Tổng cục Thống kê cũng làm ra một con số cho mục đích tuyên truyền. Một ý kiến bạn đọc cho Thoibao.de biết.

Thực ra người dân cảm nhận rất rõ tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2022, cực kỳ khó khăn. Vật giá leo thang, xăng dầu giá vừa cao vừa bị thiếu hụt làm cho dân vất vả, mất thời gian và tiền bạc chỉ vì chờ đổ xăng. Doanh nghiệp thì thiếu nhiên liệu vận hành, doanh nghiệp vận tải thì phải bỏ chuyến, hủy hợp đồng, vì thiếu hụt xăng dầu. Có thể nói, năm 2022 là một năm ác mộng đối với người dân Việt Nam.

Kinh tế phồn vinh hay suy thoái được thể hiện rất rõ vào những ngày giáp Tết. Khi nền kinh tế thiếu tiền thì sức mua ảm đạm, hàng hóa bị tiêu hủy tràn lan. Người tiêu dùng thì không có tiền để mua, người bán thì thất bát không có lời để ăn Tết. Từ người mua đến người bán đều đón nhận cái Tết đìu hiu.

Đìu hiu ngày Tết

Theo báo chí, chỉ mới 28 Tết mà chợ hoa, tiểu thương bán hoa, lo mất Tết và đến 30 Tết thì thực là bi đát. Người mua không có, người bán phải chặt bỏ hoa vứt sọt rác. Một cảnh tượng thật ngậm ngùi cho những người buôn hoa ngày Tết và buồn cho những nhà vườn. Có nhiều nhà vườn trồng hoa một năm một vụ và chỉ cậy nhờ vào thị trường hoa cuối năm. Tuy nhiên, công sức chăm chút cả năm ấy, đến cuối năm thì bán không thể thu hồi được vốn.

Tại thành phố Thái Nguyên, đã 28 Tết mà nhiều điểm bán hoa đào vẫn vắng bóng người mua, nhiều tiểu thương đã giảm giá sâu nhưng tình hình vẫn rất ế ẩm.  Một tiểu thương cho biết, “Như mọi năm, khách đến xem và mua rất nhiều, năm nay không biết do kinh tế khó khăn hay họ không còn mặn mà với hoa đào nữa mà lượng khách tìm mua hoa giảm rõ rệt, không bằng phân nửa so với năm trước kia”

Thực ra người tiêu dùng không có tiền để mà mua. Nền kinh tế bị siết cổ từ tháng 9/2022, khi mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam siết room tín dụng, làm cho các ngân hàng thương mại không thể cho vay được. Hậu quả là doanh nghiệp rụng hàng loạt, một số có sức đề kháng yếu thì giải thể, số khác có đề kháng tốt hơn thì tinh giảm, để đỡ chi phí. Mà một khi doanh nghiệp khó khăn, thì công nhân, nhân viên, và cả lãnh đạo trong công ty cũng khó khăn. Cả xã hội Việt Nam đều như thế.

Con số lạm phát được nhà nước thông báo là dưới 4%, tuy nhiên giá cả hàng hóa thì trượt giá ít nhất là 20%, một nhà quan sát đánh giá với Thoibao.de. Con số lạm phát 4% được người này cho biết, đó là con số trên giấy. Người dân cảm nhận rõ nhất về  sự ngột ngạt do tình hình kinh tế khó khăn mang lại.

 

Nếu nhìn vào con số tăng trưởng của nền kinh tế là trên 8% và lạm phát dưới 4% quả là quá tuyệt vời, nếu đó là con số thật. Thực chất không ai biết con số thật là bao nhiêu, nhưng ai cũng nhận ra, con số mà nhà cầm quyền Cộng sản đưa ra đều ngược lại với thực tế hoàn toàn.

Vậy tại sao chính quyền Cộng sản không dùng con số thật, để đề ra chính sách cho đúng với thực tế, mà họ lại dùng con số “nổ”?

Có ý kiến cho rằng, Cộng sản họ đặt nhiệm vụ mị dân cao hơn nhiệm vụ phát triển đất nước, nên với họ, con số “nổ” quan trọng hơn con số thật.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)