Là người của công chúng, cần “uốn lưỡi bảy lần” trước khi phát ngôn, bởi phát ngôn động chạm đến hàng triệu người thì sẽ chuốc họa vào thân. Uốn lưỡi bảy lần là ý của cổ nhân muốn dặn dò người đời sau cần phải có khoảng lùi để suy nghĩ trước khi nói. Mọi câu nói mà não đi trước miệng theo sau là câu nói của người cẩn thận, còn ngược lại là người nông cạn.
Ngày 24/1, tức mùng 3 Tết, trên trang facebook cá nhân của diễn viên chương trình Táo quân Nguyễn Xuân Bắc có một status. Đó là một truyện ngụ ngôn, ông Bắc muốn ám chỉ rằng, khán giả chỉ biết ăn và chê mà không biết tí gì về “trò hề” mà ông ta đóng trên chương trình Táo quân. Điều đáng nói là, ông Bắc tỏ ra xấc láo với khán giả, đến mức ông ta ví ông ta như là mẹ còn khán giả là con. Đây là hành động ví von không thể chấp nhận được.
Trong những người chê vở kịch mà ông Nguyễn Xuân Bắc tham gia ấy, có người đáng vai cha vai chú của ông ta. Tuy nhiên, dù là bao nhiêu tuổi, ông ta cũng ví đó là con và ông ta là mẹ. Không biết khán thính giả có cảm xúc gì khi một diễn viên hài dám ví von như thế trước hàng triệu khán giả thuộc mọi tầng lớp thuộc mọi thế hệ.
Câu truyện ngụ ngôn mà ông Nguyễn Xuân Bắc viết rất dài, chứng tỏ ông ta đầu tư rất nhiều thời gian để viết. Tuy nhiên, với ngần ấy thời gian, nhưng ông Nguyễn Xuân Bắc vẫn không chịu dùng đầu óc cân nhắc lời nói, mà ông lại xúc phạm nặng nề khán thính giả. Vừa tự cao xem mình là mẹ vừa xem khán thính giả là con vừa chửi khán giả là vong ân bội nghĩa như một kẻ “ăn cháo đá bát”.
Ông Nguyễn Xuân Bắc là diễn viên, ông ta sống nhờ công chúng. Nói cho cùng, nhờ công chúng mà ông có nhiều tiền, ông có địa vị, nhưng lại xem công chúng như con và ông viết truyện ngụ ngôn để dạy dỗ. Hành động như vậy đã gây bão mạng trong thời gian ngắn. Cũng phải, công chúng có rất nhiều người hiểu biết, có rất nhiều người sáng suốt. Lẽ ra những phê bình đáng để Nguyễn Xuân Bắc học hỏi và thay đổi bản thân, thì ông lại chửi chính khán giả đã làm nên tuổi cho ông. Ở khía cạnh này không biết khán giả “ăn cháo đá bát” hay chính ông Xuân Bắc là người “ăn cháo đá bát”.
Với hành động xúc phạm khán giả như vậy, có thể nói, ông Nguyễn Xuân Bắc đang tự tay đập “bát cháo” của ông. Bát cháo mà khán giả đã góp gạo, góp tiền mời ông ăn, thì ông lại đập và mắng khán giả là “ăn cháo đá bát”, một hành động vừa vong ân bội nghĩa vừa xấc láo trước công chúng. Có lẽ khán thính giả cần phải xem lại rằng, bản thân mình có cần phải dùng những sản phẩm giải trí có ông Nguyễn Xuân Bắc tham gia.
Tiền cát xê mà ông Nguyễn Xuân Bắc nhận được từ chương trình Táo Quân là tiền từ khán giả đóng thuế mà ra. Tuy nhiên, ông Bắc đã không biết ơn khán giả, mà ông ta còn tát khán giả như thế thì khác nào anh tát người đang bưng chén cơm cho anh ta?
Mấy năm trước Trấn Thành cũng đã từng buông lời thách thức khán giả rằng, “Nếu thấy chúng tôi diễn hài nhảm thì hãy tắt tivi”. Đấy cũng là hành động vô ơn với khán giả, tuy nhiên, lần này Nguyễn Xuân Bắc còn ở cấp độ cao hơn nhiều.
Thực ra nếu biết suy nghĩ trước khi nói thì không ai lại nói như ông Bắc. Trong người phải có sự hằn học thù ghét khán giả lắm mới viết nên một câu chuyện ngụ ngôn như vậy. Thời gian viết đủ để cho bất kỳ ai suy nghĩ và cân nhắc, nhưng với ông Bắc thì vẫn cứ viết nên một câu chuyện để chửi vào mặt khán giả một cách xấc láo đến như vậy.
Hành động của ông Nguyễn Xuân Bắc không ai có thể bênh vực được. Hậu quả của hành động này là kết quả cần thiết, nó cần thiết để gạn lọc bớt những con người vô đạo, vong ân bội nghĩa với khán thính giả.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)