Sáng 28/1 (tức mùng 7 tháng Giêng), tại xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã diễn ra Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2023.
Theo lịch sử, năm 987, vua Lê Đại Hành đã về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) lần đầu tiên. Kể từ đó, Lễ hội Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại về sau thực hiện trang trọng, thành kính.
Do chiến tranh và do quan điểm bài phong kiến của Cộng sản, lễ hội này đã không được tổ chức trong nhiều năm.
Đến 2009, Lễ Tịch điền đã được khôi phục lại với quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham dự. Năm sau, 2010, lần đầu tiên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã đến mặc áo nông dân, cầm cày thực hiện nghi lễ. Các đời Chủ tịch nước sau đó cũng tham dự lễ hội này như: Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc.
Năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và nhiều quan chức Trung ương về tham dự. Đích thân ông Nguyễn Xuân Phúc cầm cày, khai mạc lễ hội.
Năm nay, báo Vietnam+ cho biết: “Dự lễ Tịch điền có đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Nam, một số địa phương trong, ngoài tỉnh và đông đảo nhân dân”. Như vậy, chỉ có quan chức địa phương tham dự, không có quan chức Trung ương. Quyền Chủ tịch nước, bà Võ Thị Ánh Xuân không thấy xuất hiện. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng cũng không thấy, dù đêm giao thừa, ông đã nói lời chúc Tết quốc dân, nghĩa là ông đã làm một công việc của Chủ tịch nước.
Trước đó, ngày 25/1, lãnh đạo thị xã Duy Tiên nói với báo Dân Việt rằng: “năm nay Hà Nam chủ trương Lễ hội Tịch điền làm ở mức độ cấp địa phương nên quy mô không lớn.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị chu đáo để đón nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương được chúng tôi làm bài bản.”
Lễ hội Tịch Điền cầu cho mùa màng bội thu trong năm mới và tái hiện truyền thống “dĩ nông vi bản” – nghĩa là lấy nghề nông làm gốc. Tuy nhiên, từ khi cầm quyền đến nay, Đảng Cộng sản đã phá nát nghề nông truyền thống của Việt Nam.
Thời bao cấp, do chủ trương phân biệt đối xử theo lý lịch và chính sách Hợp tác hóa nông nghiệp, dẫn đến tình trạng nông dân không còn gắn bó với đồng ruộng. Những gia đình bị xếp vào thành phần địa chủ không sống nổi ở nông thôn nên đã tìm cách thoát ly, ra thành phố học hành và tìm những công việc khác. Thành phần trung nông bị vào hợp tác xã thì không còn động lực để cố gắng, hoặc là họ cũng tìm cách thoát ly, hoặc là trở nên chây ỳ, lười biếng. Đồng bằng châu thổ sông Hồng màu mỡ nhưng năm nào cũng mất mùa, thất bát, lương thực phải xin viện trợ từ Liên Xô, Trung Quốc. Dân phải ăn độn sắn, khoai, rồi bo bo…
Đến thời kỳ Đổi mới, đất đai nông nghiệp được trả về cho dân, năng suất ngay lập tức tăng vọt. Nhưng sau đó, chính quyền chỉ quan tâm đến phát triển công nghiệp. Có một vị cựu quan chức từng nói, đại ý là bán một cái máy bằng tiền bán cả tấn lúa. Và vì vậy, họ bỏ mặc ngành nông, bỏ mặc cho nông dân tự bơi., dẫn đến tình trạng sản phẩm nông nghiệp làm ra không có nơi tiêu thụ, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Chỉ cần Trung Quốc đóng cửa khẩu là nông sản ùn ứ, hư hỏng chất đống đành phải đổ bỏ… cứ thế, người nông dân thua lỗ hết lần này đến lần khác.
Chưa kể đến việc, do nông sản phụ thuộc thị trường Trung Quốc, dẫn đến chất nông sản không cao. Rồi thị trường nông sản trong nước cũng không được quản lý nghiêm ngặt, dẫn đến việc nông dân, thương lái dùng đủ thứ hóa chất độc hại, không chỉ gây độc ngay tức thì cho nông sản mới thu hoạch, mà còn dẫn đến hoang hóa đất đai, ô nhiễm nguồn nước, những điều này mới là sự nguy hại lâu dài.
Đầu tháng 12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm châu Âu, trong chuyến thăm này, ông Chính đã ngỏ lời nhờ Hà Lan, Bỉ giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp. Đây là lần đầu tiên có một lãnh đạo Việt Nam tỏ ra quan tâm đến ngành nông một cách nghiêm túc, chứ không phải hô hào suông như những vị lãnh đạo trước đây. Tuy nhiên, có vẻ như ông Chính sẽ khá bận rộn với việc đối phó với những đối thủ của ông ở thượng tầng. Không rõ, ông có còn tinh lực để phát triển nông nghiệp như ông đã phát biểu ở châu Âu hay không.
Thu Phương – thoibao.de (Tổng hợp)