Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, tuổi tác của những nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam dao động từ 70 đến 80 tuổi.
Ông Đỗ Mười năm 1997 rời bỏ chức Tổng Bí thư lúc tuổi tròn 80. Ông Lê Đức Anh cũng rời bỏ chức Chủ tịch nước cùng năm 1997, khi 78 tuổi. Ông Võ Chí Công 80 tuổi được bầu làm Chủ tịch nước vào năm 1992. Ông Trường Chinh thôi làm Tổng Bí thư năm 1986 khi ông 80 tuổi, nhường chức cho ông Nguyễn Văn Linh 72 tuổi làm Tổng Bí thư. Ông Võ Văn Kiệt về hưu năm 1997 lúc 75 tuổi. Ông Phạm Văn Đồng về hưu năm 81 tuổi. Ông Lê Duẩn làm Tổng Bí thư đến chết, khi ông 81 tuổi.
Như vậy, các lãnh đạo cao cấp Việt Nam chưa ông nào làm đến 82 tuổi. Ông Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, đến nay ông đã gần 80 tuổi. Nếu ông ngồi hết nhiệm kỳ này, ông sẽ về hưu ở tuổi 83, ông giữ kỷ lục về tuổi tác trong lịch sử các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên thì việc nhắc lại tuổi tác này là để nhắc lại thời kỳ 80 – 90, khi mà lứa tuổi 70 – 80 là lớp lãnh đạo, thì có một người 70 tuổi lại phải chấm dứt sự nghiệp đang thành công của mình. Đó là nhà ngoại giao lỗi lạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.
Ông Thạch buộc phải về hưu năm 1991 vì tư tưởng ngoại giao tiến bộ, mà các đồng chí bảo thủ của ông không hiểu được. Vào những năm Việt Nam chống cuộc xâm lược của Trung Quốc, ông Thạch trong chức vụ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Trưởng đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, ông đã đi lại liên tục các nước, các diễn đàn ngoại giao, để tố cáo hành vi xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam. Ông đã dành được nhiều sự ủng hộ của các nước, để họ lên án hành động xâm lược của Trung Quốc.
Tháng 9 năm 1990, ông Thạch tiếp xúc đàm phán với Hoa Kỳ về việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Trước đó 15 ngày, các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng cũng ký thoả thuận quan hệ Việt – Trung giữa hai đảng và bình thường hóa quan hệ hai nước. Ngay sau đó ít tháng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã loại ông Thạch ra khỏi Bộ Chính trị, cho về hưu. Quan hệ Việt Mỹ phải 5 năm sau mới bình thường hoá lại được.
Quan hệ Việt – Trung được bình thường hoá chỉ trong một lần gặp giữa các lãnh đạo cao cấp, thỏa thuận mất 2 ngày. Còn quan hệ Việt Mỹ phải cần đến cả chục lần và mất đến tận 5 năm mới thoả thuận xong.
Cuộc đời của nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, tên thật là Phạm Văn Cương, không để lại tai tiếng gì, ngay cả khi ông làm phụ trách công tác ngoại giao chống Mỹ. Trái lại, phóng viên quốc tế còn đánh giá ông là người có những tư tưởng tiến bộ, đi trước thời đại. Ông sinh ở miền Bắc, thời thanh niên tham gia Cách mạng chống Pháp và bị bắt đi tù tại Sơn La. Năm 1945, ông ra tù và làm Bí thư cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đến năm 1954 chuyển sang ngành ngoại giao. Không biết ông học tiếng Anh lúc nào, nhưng ông có thể trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế bằng tiếng Anh khá thành thạo. Cho thấy ông thực sự là người có tâm huyết và trách nhiệm với công việc mình phụ trách.
Con trai ông Thạch là Phạm Bình Minh được đào tạo về ngành ngoại giao bài bản hơn ông rất nhiều. Ông Minh học Đại học Quan hệ Quốc tế, học Luật Quốc tế, thuộc lớp sinh viên đầu tiên nhận học bổng của Fulbright – Mỹ.
Trong suốt quá trình làm việc dài đến 40 năm, ông cũng như cha mình, không để lại điều tiếng gì xấu trong dư luận, người ta nhận định ông là người có trình độ, học thức và trong sạch.
Cuối năm 2022, ông xin từ chức Phó Thủ tướng Thường trực, Ủy viên Bộ Chính trị cùng ngày với Phó Thủ tướng, Ủy viên Trung ương Đảng Vũ Đức Đam. Lý do từ chức vì những tiêu cực xảy ra trong vụ các chuyến bay giải cứu, mà các cấp dưới quyền của ông đã nhận hối lộ. Nhiều người bàng hoàng cho rằng, ông Minh khó có thể là người tham lam đến mức ăn tiền từ những cuộc giải cứu, có lẽ ông quá chuyên về công việc chuyên môn, mà để trợ lý hay cấp dưới của mình làm.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Dũng, người đang bị công an bắt và giam cầm, đã khai rằng, khi vợ ông Minh chữa bệnh ung thư tại Nhật, ông Tô Dũng đã bay sang và biếu tiền cho bà ta chữa bệnh. Nguồn tin không nói là bao nhiêu tiền, nhưng ước đoán khoảng một đến hai trăm ngàn USD.
Đây là lý do mà ông phải từ chức, thế nhưng, phía công an còn đang muốn cáo buộc rằng, ông có biết đến việc này, có nghĩa ông đồng ý để vợ ông nhận tiền, hòng đưa ông ra tòa cùng với ông Vũ Đức Đam. Trợ lý của ông Đam là ông Nguyễn Văn Trịnh đã khai với cơ quan công an, rằng, ông Trịnh có đưa tiền cho ông Đam. Ông Trịnh bị bắt vì cáo buộc nhận hối lộ để giúp đỡ Việt Á.
Ông Đam và ông Minh bị bãi chức cùng ngày, nhưng đánh giá của dư luận về hai ông khá khác nhau, ông Minh nhận được sự ái ngại khá nhiều, còn ông Đam, bởi những phát ngôn đao to, búa lớn nên chẳng mấy ai cảm thông khi ông bị bãi chức vụ. Làm việc với cơ quan công an, ông Đam khẳng định mình không hề nhận tiền từ ông Trịnh.
Hai ông Minh và Đam đều giỏi ngoại ngữ, các ông có thể nói chuyện trực tiếp với quan khách nước ngoài bằng tiếng Anh. Về đường hướng ngoại giao, cả hai ông đều cởi mở với phương Tây.
Ông Minh đã từng ước mơ học Đại học Bách khoa, nhưng cha của ông đã bày tỏ tha thiết muốn ông nối nghiệp ngoại giao, vì muốn thực hiện mong ước của cha, ông đã thi vào ngành ngoại giao.
Và rồi, cũng như cha ông, có cuộc đời và sự nghiệp phải nói không điều tiếng gì, đến lúc cuối cùng, mỗi người đều bị loại khỏi chính trường vì những lý do khác nhau. Các con trai của ông Minh cũng đang theo ngành của ông cha, học Quan hệ Quốc tế, Luật Quốc tế.
Chẳng biết ông Minh giờ còn tha thiết cho con mình theo ngành ông cha trong chế độ này nữa không?
Người Buôn Gió – Thoibao.de (Tổng hợp )