Link Video: https://youtu.be/SEcMk5xOH2Y
Giáo dục là nền tảng phát triển bền vững cho một quốc gia. Xã hội có đạo đức hay không, là phần lớn nhờ vào giáo dục. Quốc gia có người quản trị giỏi hay không, là nhờ giáo dục. Các ngành nghề có chuyên gia giỏi hay không, cũng nhờ vào giáo dục. Tuy nhiên, sau 78 năm Đảng Cộng sản cầm quyền, đến nay, ngành giáo dục cứ mãi loay hoay không thoát khỏi chữ “nát”. Nát từ năm này đến năm khác, nát từ đời Bộ trưởng này đến đời Bộ trưởng khác.
Từ khi mới “cướp” được chính quyền, ông Hồ Chí Minh đã viết lá thư gửi cho học sinh cả nước, ông có đề cập đến tham vọng học “để sánh vai với các cường quốc năm châu”. Nhưng rồi, trải qua gần 8 thập kỷ đã cho thấy, chính sách giáo dục của Cộng sản vừa thành công, vừa thất bại. Tại sao nói là “thành công”? Thành công đó là cho Đảng, nền giáo dục nhồi sọ đã tạo ra nhiều thế hệ mê muội, không hiểu giá trị tự do. Vậy thất bại ở khía cạnh nào? Đó là thất bại cho đất nước, bởi xã hội Việt Nam đang xuống cấp đạo đức nghiêm trọng, nhân lực quản lý vừa yếu vừa thiếu và nhân lực cho khoa học cũng thế.
Ngày nay, nhờ internet, người ta có dịp so sánh nền giáo dục Việt Nam với các nền giáo dục khác, và nhận thấy sự khác nhau một trời một vực. Ngay chính quan chức Cộng sản cũng hiểu hơn ai hết về những gì mà nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa mang lại. Ông Nguyễn Tấn Dũng cho hết 3 đứa con đi Âu Mỹ du học. Ông Nguyễn Xuân Phúc giấu xã hội đưa con du học Mỹ. Ông Vương Đình Huệ cũng lén đưa con gái du học Mỹ. Và mới đây, cộng đồng mạng cũng phát hiện ra Tô Hà Linh – con gái ông Tô Lâm – đi du học Anh Quốc.
Đấy là thất bại của nền giáo dục. Chưa bao giờ giáo viên bị xem thường như thời nay và cũng chưa bao giờ giáo viên mà thiếu kiến thức khai phóng như thời nay. Thời nay, thầy thì ít mà thợ dạy thì nhiều. Lương giáo viên không tương xứng với công sức của họ, làm cho giáo viên phải dùng chiêu ép học sinh phải học thêm, rồi mua bán điểm, mua bán bằng tràn lan.
Từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học đều nát. Học sinh sau khi học hết bậc phổ thông, ít ai chọn vào sư phạm, ngành trồng người chưa bao giờ có nhân lực vừa thiếu vừa yếu như thời nay. Người giáo viên bị đưa đi tiếp những ông quan tham ăn bụng to, nhậu nhẹt miệng đầy hơi men. Nhìn giáo dục Việt Nam bát nháo như thế, không biết phải sắp xếp lại quy củ như thế nào. Đời bộ trưởng nào lên rồi cũng thế, phần vì bất tài, phần vì ngành giáo dục không thể sửa, nên đời Bộ trưởng sau còn tệ hơn đời trước, ngành giáo dục cứ cắm đầu tụt dốc.
Ngày 28/1, báo Vietnamnet có đăng bài viết “Hạ chuẩn trình độ đào tạo với giáo viên để giải bài toán thiếu nhân lực?”. Bài viết cho biết, để giải bài toán thiếu giáo viên, nhất là ở miền núi, vùng sâu vùng xa, có ý kiến đề xuất, khi tuyển dụng, nên hạ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo đối với ứng viên.
Cách đây 30 năm, trong xã hội đã truyền nhau câu châm ngôn chua chát, “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Thời đó chưa có các đại học ngoài công lập phổ biến như bây giờ, nên thi vào đại học rất khó. “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, qua loa sư phạm”. Thời đấy có nhiều câu truyền khẩu, nhưng câu nào liên quan đến những ngành ưu tiên lựa chọn của học sinh, đều luôn liệt sư phạm vào loại hạng bét.
Cho đến nay, đã qua 3 thập kỷ mà chính quyền Cộng sản vẫn đang loay hoay không giải quyết được bài toán giáo dục. Thời ông Phùng Xuân Nhạ làm Bộ trưởng, ngành giáo dục rách tươm và ông Phùng Xuân Nhạ cũng đã bị kỷ luật vì những yếu kém của ông. Giờ đến ông Nguyễn Kim Sơn thì vẫn thế, ngành giáo dục vẫn đang cắm đầu đi xuống.
Còn 3 năm nữa thì hết nhiệm kỳ, nhưng xem ra, ông Nguyễn Kim Sơn không thể làm được gì để ngành giáo dục khá hơn. Giáo dục cắm đầu thì ông Nguyễn Kim Sơn cũng khó ngóc đầu. Cũng không khác gì Phùng Xuân Nhạ.
Lê Hoàng – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Miss World Vietnam 2022 muốn dựa vào bão dư luận để càng nổi tiếng?
>>> Lươn lẹo trong lời “xin lỗi”. “Mẹ” Xuân Bắc vẫn cho là “đàn con” không hiểu tới!
>>> Tịch điền năm Dần, trụ Quảng tạch. Tịch điền năm Mão, Tam Trụ lơ
Gia cố “tổ kén”, Tô Lâm đang sợ điều gì? Và sợ ai?