Link Video: https://youtu.be/o9csE40QhQk
RFA ngày 18/2 đăng bài bình luận của PGS, TS Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch- Đầu tư. Bài viết có tựa đề “Quay lại chế độ chuyên chế “toàn trị” báo hiệu thời kỳ tăng trưởng kinh tế khó khăn”.
Mở đầu bài viết, tác giả đặt vấn đề, thách thức cải cách thể chế có nguồn gốc từ việc đặt ý thức hệ lên trên tư duy thị trường, thay vì chỉ giới hạn ở “trò chơi quyền lực chính trị cấp cao” của chế độ.
Theo tác giả, sự kiện bị buộc phải từ chức của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, không những chỉ là một “trò chơi quyền lực chính trị cấp cao”, trong đó “phe” ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng loại bỏ các “đối thủ” chính trị, mà còn gây ra bất ổn thể chế, gây ra những hiệu ứng ngược, trong đó, có các tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, đầu tư.
Tác giả phân tích rằng, nếu trò chơi quyền lực “cung đình” này được sử dụng đồng thời như một phương tiện để thanh lọc nội bộ, để tập trung quyền lực tuyệt đối, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng Mác – Lênin và ý thức hệ chủ nghĩa xã hội, thì phía trước được cảnh báo là thời kỳ khó khăn tăng trưởng kinh tế.
Việc tái lập chế độ chuyên chế toàn trị, đã thay đổi những đặc điểm từng mang lại sự tồn tại “dẻo dai” của chế độ, cùng lúc vừa thúc đẩy kinh tế thị trưởng, vừa đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Giờ đây Đảng trở lại thâm nhập, can thiệp sâu vào tất cả các thể chế khác, từ lập pháp, tư pháp và hành pháp, đến hoạch định chính sách cho mọi lĩnh vực hành động. Đảng tăng cường lãnh đạo bằng các nghị quyết đối với sự vận hành kinh tế, và Chính phủ chỉ là bộ máy thực thi đơn thuần, nằm trong tầm kiểm soát của Đảng.
Tác giả nhắc lại mô hình “Chính phủ kiến tạo” do ông Phúc đề xướng khi lên làm Thủ tướng vào năm 2016, nay đã không còn được nhắc đến. Mặc dù mô hình này thành công về mặt tăng trưởng. Tư tưởng “kiến tạo” tập trung tạo lập môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp và kinh doanh, cởi mở hơn với khuyến khích kinh doanh, tạo ra động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, cách điều hành như mang xu hướng “tư bản” để “kiến tạo”, đã làm nảy sinh nhu cầu cải cách theo hướng dân chủ hoá, khiến giới lãnh đạo chính trị trong Đảng không hài lòng, và mối lo ngại về “sự mất kiểm soát” lớn dần, khi bộ máy điều hành do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực đã suy thoái nghiêm trọng, trục lợi lan rộng và tham nhũng.
Tác giả cho rằng, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính hiện nay, được cho là người của Đảng. Bởi quá trình thăng tiến chính trị của ông, từng là Thứ trưởng Bộ Công an, Bí thư tỉnh Quảng Ninh và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Chính phủ của ông đang “vất vả” tìm bản sắc trong cơ chế “toàn trị mới” của Đảng, để vận hành nền kinh tế. Với “rừng” nghị quyết mà Đảng ban hành, để thể hiện sự lãnh đạo toàn diện. Việc vận dụng các yếu tố thị trường đã trở nên “thận trọng”, khiến nhiều chính sách cải cách trở thành “nửa vời”. Luật Đất đai sửa đổi vẫn giữ nguyên “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý”, cho thấy, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục không lành mạnh, khi bị ràng buộc bởi ý thức hệ.
Tác giả phân tích thêm, những động thái chống tham nhũng và củng cố quyền lực, một mặt, cho thấy, Đảng quyết tâm và nỗ lực quay lại với chế độ chuyên chế toàn trị. Nhưng mặt khác, đã bộc lộ sự “bế tắc” khi muốn tạo ra một mô hình kinh tế phù hợp.
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay dựa vào hai động lực trụ cột, một là đầu tư nước ngoài và hai là bất động sản. Hai lĩnh vực kinh tế này và những ngành và lĩnh vực “ăn theo” như tài chính, ngân hàng, công nghệ… chiếm hơn nửa GDP và tập trung phần lớn các nguồn lực quốc gia. Tuy nhiên, cả hai trụ cột đều đang bị “lung lay” trước những tác động của các yếu tố trong và ngoài nước, trong đó có việc tái lập mô hình toàn trị.
Tác giả dẫn ý kiến chung của các nhà phân tích chính trị, cho rằng, cuộc chống tham nhũng kết hợp thanh trừng trong nội bộ Đảng, cho thấy, Việt Nam đang đi theo hướng nặng về ý thức hệ hơn, thân Trung Quốc hơn và bớt thân phương Tây hơn.
Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam cố gắng không để việc chống tham nhũng “trên thượng tầng” tác động đến lực hút đầu tư nước ngoài, nhưng các nhà đầu tư phương Tây vẫn phải cân nhắc về sự ổn định chính trị và môi trường luật pháp, thể chế, khi ý thức hệ đặt lên trên tư duy thị trường. Ngoài ra, sự trùng lặp “kỳ lạ” về khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản trong cả hai nền kinh tế có chế độ chính trị tương đồng, đang đe dọa lặp lại bất ổn kinh tế vĩ mô trong giai đoạn hơn 10 năm trước ở Việt Nam.
Rõ ràng, những chính sách và sự vận hành kinh tế khi dựa trên ý thức hệ, áp đảo tư duy thị trường – tư duy duy lý về kinh tế, đã gây ra tất cả tác động ngắn hạn và rủi ro dài hạn, cảnh báo về thời kỳ tăng trưởng kinh tế khó khăn ở phía trước mà mọi người nói chung và chủ trương cải cách thể chế nói riêng đang và sẽ phải đối diện.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Tổng Trọng là cao thủ của cao thủ, “gian hùng” có mặt nạ “anh hùng”
>>> Liệu “thầy” Võ Văn Thưởng có “giải tà” cho ghế Chủ tịch nước?
>>> Ghế Chủ tịch nước đầy “sát khí”, nghiệp đao kiếm như Tô Lâm dễ bị họa… “sát thân”
Cơ sở dữ liệu của thẻ căn cước mới có thể giúp tìm ra thủ phạm trong vụ Hồ Duy Hải