Link Video: https://youtu.be/hI-juTTElb4
Như tin thoibao.de đã đưa, cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã có những phản ứng quyết liệt trước tình trạng lạm thu của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan và một kế hoạch biểu tình phản đối đã được ấn định vào ngày Chủ nhật 12/3.
Chính phủ Việt Nam đã có một phản ứng khá nhanh nhạy khi cử gấp Đoàn Công tác Bộ Ngoại giao do ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, từ Việt Nam sang, để đối thoại với cộng đồng vào ngày 11/3, một ngày trước ngày biểu tình được lên kế hoạch.
Trong một diễn biến mà BBC gọi là “hiếm có”, ngay sau cuộc họp ngày 11/3, ông Nguyễn Minh Quế, một cán bộ phụ trách công tác lãnh sự tại Warsaw “bị bãi nhiệm ngay lập tức, phải về nước để giải trình“. Ông Quế là người bị rất nhiều người khiếu nại, than phiền về thái độ tiếp dân ở Đại sứ quán, theo những thông tin đăng tải trên trang Uwaga – Người Việt tại Ba Lan trên Facebook.
Cũng theo thông tin trên Uwaga, trước cuộc gặp, các ông Hoan Lê, Lương Thành và Phan Châu Thành đại diện cho Uwaga đã công khai đăng khiến nghị yêu cầu “bãi nhiệm” lãnh sự Quế. Và trong cuộc họp hôm 11/3, một loạt quyết định được nhà chức trách Việt Nam công bố nhằm chấn chỉnh công tác lãnh sự tại đây.
Mặc dù Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán đã có những nhượng bộ, nhưng nhiều người trong cộng đồng Việt Nam vẫn tổ chức biểu tình chiều 12/03 với khẩu hiệu “Cấm lạm thu“, “chống tham nhũng“. BBC đưa tin.
BBC cũng cho biết, trong cuộc biểu tình này, nhiều người đã kể lại thảm cảnh bị vòi vĩnh, bắt chẹt và thậm chí là bị “sỉ nhục” bởi ông Nguyễn Minh Quế và các quan chức khác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan. Họ cũng yêu cầu có biện pháp thay đổi cơ bản vì “các tệ nạn ăn chặn, lạm thu này” đã diễn ra rất nhiều năm.
Một người kể, vợ ông đã khóc khi bị ông Quế “đuổi về Ukraine mà làm giấy tờ“, dù họ đã phải chạy trốn chiến tranh, cái chết để sang được Ba Lan. Một phụ nữ kể, bạn của bà rất đau khổ vì không biết giải thích cho chồng và gia đình chồng, là người Ba Lan, vì sao công dân Việt Nam lại phải mất nhiều tiền cho quan chức Việt Nam.
Nhà báo Mạc Việt Hồng đăng tải nhiều video tố cáo, khiếu nại trên trang Uwaga và trang cá nhân của bà. Đa số nhân chứng là người thu nhập thấp, từ Ukraine chạy loạn sang Ba Lan, bị lãnh sự Quế “vòi vĩnh“, bắt làm giấy tờ qua dịch vụ, có khi mất hàng nghìn USD.
Hiện trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan đang có hai luồng quan điểm trái chiều. Một quan điểm mà người đại diện là doanh nhân, nhà hoạt động xã hội Phan Châu Thành, cho rằng, cuộc gặp 11/3 đã có kết quả, thì việc biểu tình nữa là không cần thiết. Quan điểm thứ hai cho rằng, việc biểu tình vẫn cần phải diễn ra, vì họ muốn thấy những thay đổi cơ bản trong hoạt động của Cơ quan Ngoại giao Việt Nam ở Ba Lan. Ban tổ chức cuộc biểu tình – được cảnh sát Ba Lan bảo vệ – kêu gọi người dân ghi và ký đơn tố cáo, gửi về Bộ Công an Việt Nam.
BBC cho biết thêm, cũng có ý kiến yêu cầu giải trình việc ép uổng người dân đóng tiền cao qua dịch vụ không đăng ký, chỉ quen biết quan chức, có phải là hoạt động phạm pháp, theo luật hình sự các nước, mục Tội phạm có tổ chức?
Hiện nay, trang Uwaga vẫn tiếp tục có các câu hỏi về vai trò của Đại sứ Nguyễn Hùng, bởi vì “không lẽ không biết gì về hoạt động lạm thu của lãnh sự Quế“, hay “không phải chịu trách nhiệm chính trị gì?” Chưa thấy Đại sứ Nguyễn Hùng trả lời những câu hỏi này.
Theo BBC, truyền thông Ba Lan và một số nhân sĩ, trí thức Ba Lan đã biết về vụ việc này và đã lên tiếng.
Nhật báo lớn Wyborcza hôm 11/03 có bài của phóng viên Aleksander Slawinski đặt câu hỏi “Có hay không tham nhũng và vòi tiền trong Đại sứ quán? Người VN tại Warsaw tuyên bố sẽ biểu tình”.
Các nhà báo, biên tập viên nổi tiếng ở Ba Lan như Piotr Stasinski, Anna Kalita đều đã lên tiếng ủng hộ hoạt động của các nhà vận động cho cuộc biểu tình.
BBC đánh giá rằng, sự kiện các quan chức từ Hà Nội bay sang để lắng nghe khiếu nại, tố cáo ở Ba Lan cho thấy, Chính phủ Việt Nam hiểu được tầm vóc của sự việc, nhất là sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam bị dính vào các án lớn như chuyến bay giải cứu, khiến nhiều quan chức đã bị bắt.
Chúc Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> “Triều đại” Nguyễn Phú Trọng còn bao lâu? Võ Văn Thưởng dựa dến bao giờ?
>>> Bung núi tiền “giải bí” cho Nguyễn Thanh Nghị, Phạm Minh Chính đang “đánh bạc”!
>>> Võ Văn Thưởng cố tránh dớp, nội lực yếu dễ “sụm”
Ông Tổng chọn “đỏ” hơn “giỏi” để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong thế hệ kế tiếp