Bệnh ghẻ của Đảng, ông Tổng càng chữa càng gây lở loét

Ở những nước văn minh họ không cần ban này ban kia để chống tham nhũng. Họ làm luật, trong đó có những quy định về tội tham ô, hối lộ vv… Khi luật đã được thông qua và có hiệu lực thì bộ máy Nhà nước cứ theo luật đó mà xử lý, không cần phải lập ra quá nhiều ban bệ như chế độ Cộng sản. Tuy nhiên, tại các nước dân chủ, quan chức chỉ cần nhận món quà trị giá vài ngàn đô la đã bị liệt vào tội tham ô, và cứ thế, luật pháp ra tay xử lý.

Ông Nguyễn Phú Trọng, chống tham nhũng như “bôi thuốc ngoài da”

Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản đem ra đủ thứ tấm gương, họ lấy đức tính từ ông Hồ Chí Minh mà họ cho là “liêm khiết” để làm tấm gương cho quan chức học tập. Kinh phí cho việc học tập toàn Đảng là lấy từ tiền thuế của dân. Tuy nhiên, thực tế thì không hề có một quan chức nào liêm khiết, mà chỉ có quan chức chưa bị lộ. Chính vì thế mà nguồn quan tham cấp cho lò ông Nguyễn Phú Trọng cháy vô tận.

Ngày 4/3/2016, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng (Hội nghị chống tham nhũng) do Bộ Tư pháp tổ chức, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ lúc đó, đã phát biểu “Chống lại có khi chúng tôi chết trước!”. Câu nói này làm dậy sóng mạng xã hội lúc đó, tuy nhiên, đấy là câu nói thật.

Tham nhũng trong chế độ Cộng sản đã đến hồi không thể chống. Phía Chống tham nhũng mà dưới cơ thì chính họ là “kẻ bị thịt” trước tiên. Cho nên mới có chuyện, các quan chức trong cơ quan chống tham nhũng thỏa thuận với bên bị thanh tra để đưa ra những kết luận huề cả làng. Phía Thanh tra được tiền và bên bị thanh tra vẫn giữ được chức.

Năm 2014, ông Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận là Đảng Cộng sản còn phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng. Lãnh đạo Cộng sản thường hay nói dối mị dân, nhưng câu nói này của ông Trọng là câu nói thật. Bệnh tham nhũng là bất trị.

Trước đây, quan chức biển thủ chục tỷ đã là tham nhũng lớn, giờ đây quan chức làm thất thoát lên đến hàng vạn tỷ. Quan chức trước đây có chiếc xe máy tốt là có tiền, nay quan chức cấp phường xã ô tô hai ba chiếc là bình thường, trong khi đó, đồng lương họ nhận được là đồng lương chết đói.

Ông Nguyễn Phú Trọng dựng lò lên chống tham nhũng, nhưng 10 năm qua, ông càng chống tham nhũng càng bùng lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngày này tham nhũng chục tỷ có thể gọi là tham nhũng vặt được rồi. Ông Nguyễn Đức Chung sau bao năm làm quan chức, khi ra tòa dùng 25 tỷ đồng để mua 3 năm tù. Không biết tiền đâu mà ông Chung có nhiều đến thế? Không tham nhũng thì tiền đâu ra?

Thị trường mua quan bán tước nhộn nhịp từ Trung ương đến địa phương. Chỉ với ghế đại biểu Quốc hội không quyền lực mà bà Châu Thị Thu Nga đã bỏ ra đến 30 tỷ đồng để mua nó. Không biết những quan chức có thực quyền, có thể can thiệp vào chính sách và can thiệp vào đấu thầu để trục lợi, thì giá bao nhiêu nữa?

Có quyền thì làm ra tiền, có tiền thì mua được chức, và cứ thế, Đảng Cộng sản không có người liêm khiết. Họ cứ ăn, ăn càng ngày càng bạo và không cần quan tâm đến lò của ông Nguyễn Phú Trọng. Khi lò ông Trọng sờ tới thì tiền của họ đã quá nhiều, quá đủ để cho con cháu hưởng thụ trong nhiều đời.

Tham nhũng len vào mọi ngóc ngách

Việc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng được ví như “chữa bệnh ngoài da”, chứ không thể triệt tận gốc. Cái gốc là thể chế chính trị, thể chế này tạo ra quan tham từ lớp này đến lớp khác, cho nên việc chống tham nhũng của ông Trọng cũng chỉ là dọn lớp trước để lớp sau trám vào.

Có người nói rằng, khi nào Đảng Cộng sản còn giành độc quyền lãnh đạo đất nước, thì khi đó, đất nước này vẫn còn bị bầy sâu bọ hút hết sinh khí. Những gì mà Đảng Cộng sản tạo ra, nó tàn phá Việt Nam quá nhiều.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://dantri.com.vn/dien-dan/chong-lai-co-khi-chung-toi-chet-truoc-20160305173938621.htm

https://vietnamnet.vn/chong-tham-nhung-ngay-trong-co-quan-chong-tham-nhung-173869.html