Uy tín của ông Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng, hiện nay đối với dân Hải Phòng là rất lớn. Khi nghe tin ông Thành bị bệnh phải đi Nhật chữa trị, không ít người dân nơi đây tỏ ra lo lắng cho ông cựu Bí thư Thành ủy này. Ông Lê Văn Thành không phải là con người có thế lực lớn, nên việc ông Thành xây dựng thành phố Hải Phòng trở nên sáng sủa hơn, đã bị nhóm lợi ích lớn ở Trung ương tước đoạt, giao cho nhóm Tây Ninh làm bàn đạp để đoạt được tham vọng chính trị.
Ông Lê Văn Thành làm được rất nhiều cho Hải Phòng, nhưng ông chỉ là Phó Thủ tướng bình thường. Trong khi đó, ông Trần Lưu Quang chẳng làm được gì cho Hải Phòng, thì lại được cơ cấu vào chức Phó Thủ tướng Thường trực. Đây không phải là bất công thì là gì? Nếu công bằng thì phải ban chức phong tước tương xứng với thành quả mà người đó mang lại trong quá khứ.
Cách làm của chính quyền Cộng sản là vậy, những thành phố trực thuộc Trung ương thường là những nơi mà thế lực Trung ương tranh giành và đè bẹp thế lực địa phương. TP. HCM và Hà Nội là ví dụ, người gốc Hà Nội chẳng được nắm vị trí cao nhất của thành phố Hà Nội, người gốc TP. HCM chẳng được nắm vị trí cao nhất của TP. HCM. Quy tắc “chộp giật” mạnh thắng yếu thua này hiện nay đang lan đến thành phố lớn thứ 3 cả nước, thành phố Hải Phòng.
Hiện nay TP. HCM là bàn đạp cho Nguyễn Văn Nên và Phan Văn Mãi tiến thân, Hà Nội là bàn đạp cho Đinh Tiến Dũng và Trần Sỹ Thanh tiến thân. Với việc điều ông Lê Văn Thành về Trung ương, thành phố Hải Phòng cũng đang rơi vào tay nhóm Tây Ninh, họ dùng nó để làm bàn đạp tiến thân trong sự nghiệp chính trị.
Hiện nay Bí thư Thành ủy Hải Phòng là ông Lê Tiến Châu, người Tây Ninh. Ông này về nắm Bí thư Hải Phòng từ ngày 16/1 thì ngày 18/3, Hải Phòng công bố chi hơn 23,3 tỷ để xây dựng cổng chào khu Trung tâm du lịch Cát Bà. Chưa hết, ngày 3/4, thành phố này công bố đề xuất chi hơn 131 tỷ để xây tượng đài Chiến thắng Cát Bi.
Công trình cổng chào và tượng đài là những công trình vô bổ, nó tiêu hao ngân sách mà không mang lại lợi ích gì cho xã hội. Đây là 2 loại công trình dễ ăn đậm nhất, bởi định mức dự toán cho tượng đài và cổng chào không rõ ràng, dễ nâng khống giá thành xây dựng, để rút ruột ngân sách chia nhau. Cho nên, nơi nào vẽ ra nhiều cổng chào và tượng đài là nơi đó có hiện tượng tham ô chính sách. Chỉ cần ông Nguyễn Phú Trọng xua quân soi vào những nơi đấy, thì sẽ có nhiều việc để làm.
Một nhà quản lý giỏi không bao giờ lại dùng tiền một cách lãng phí vào các công trình cổng chào và tượng đài. Ông Lê Tiến Châu để điều này diễn ra trên đất Hải Phòng cho thấy, ông là một nhà lãnh đạo bất tài, hoặc ít ra, ông là người không có tâm với đất Hải Phòng, vì ông là người Tây Ninh mới điều đến. Và cũng không loại trừ khả năng ông Lê Tiến Châu có xơ múi trong các dự án lãng phí này, nên ông đã ngó lơ cho cấp dưới dùng tiền ngân sách một cách hoang phí như vậy.
Cách bố trí nhân sự quản lý địa phương của Đảng Cộng sản hiện nay đang tàn phá kinh tế địa phương rất lớn. Những thành phố đầu tàu như Hà Nội và TP. HCM cần chọn người gốc thành phố. Họ lớn lên với thành phố, họ yêu thành phố và họ hiểu thành phố của họ.
Chọn người địa phương giỏi nhất sẽ là cách chọn tốt nhất, còn điều những người từ địa phương khác tới thì họ biết gì mà điều hành kinh tế và trật tự xã hội của thành phố? Dù họ giỏi thì họ có hiểu thành phố, họ có tâm huyết với thành phố không? Cách bố trí người như vậy, các thành phố lớn chỉ là bàn đạp để những kẻ lạ mặt đến tiến thân mà thôi.
Hải Phòng hiện nay cũng đang như thế.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://baomoi.com/chi-hon-23-3-ty-xay-dung-cong-chao-khu-trung-tam-du-lich-cat-ba/c/45320664.epi
https://vietnamnet.vn/hai-phong-de-xuat-chi-hon-131-ty-xay-tuong-dai-chien-thang-cat-bi-2127701.html