Có thể nói, trong những năm làm lãnh đạo thành phố hoa phượng đỏ, ông Lê Văn Thành đã được lòng dân Hải Phòng, thành quả không phải ai cũng làm được trong thời đại mà làm chính trị chụp giật như hiện nay. Cũng tương tự như ông Nguyễn Bá Thanh, ông Lê Văn Thành đi lên nhờ tiếng tăm về khả năng lãnh đạo hơn là nhờ thế lực cha chú nâng đỡ.
Ông Nguyễn Bá Thanh được ông Nguyễn Phú Trọng đưa về Trung ương vì ông Trọng muốn dùng chất “dũng tướng” của ông Thanh. Tuy nhiên, đấu trường Trung ương quá khốc liệt, chứ không như đấu trường địa phương. Ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh là vua, nhưng ở Trung ương, ông chỉ là một ông tướng. Ở Đà Nẵng ông Nguyễn Bá Thanh có quyền dùng người, nhưng ở Trung ương ông là người bị dùng. Mà bị dùng vào những nơi nguy hiểm, đấy là điều khác biệt.
Có thể nói, ông Nguyễn Phú Trọng dùng người quá hao tướng. Lẽ ra, ông nên nâng niu con người như Nguyễn Bá Thanh để truyền ngôi, thì ông lại dùng một kẻ nhát gan, ma lanh, hay lánh nặng tìm nhẹ như ông Vương Đình Huệ để truyền ngôi. Khi ông Nguyễn Bá Thanh còn sống, rõ ràng ông Trọng đã không biết trân trọng những ưu điểm của ông Nguyễn Bá Thanh vào việc lớn, mà ông dùng ưu điểm của ông Thanh vào chuyện vặt vãnh, đấy là chuyện đấu đá nhau giữa các thế lực.
Lịch sử Đảng Cộng sản cho thấy, các lãnh đạo không biết dùng người, bởi họ không có tầm nhìn. Và kết quả là những người có tư tưởng tiến bộ bị đì, đồng thời dung dưỡng cho những con người dễ sai bảo. Trước đây, Đảng Cộng sản đã nâng đỡ ông Nông Đức Mạnh là một kiểu mẫu về cách dùng người bất tài dễ bảo. Ngày nay, ông Trọng xem ông Vương Đình Huệ là “chén kiểu”, còn xem ông Nguyễn Bá Thanh là “chén sành”, cũng là cách dùng người rất thiếu tầm của ông Trọng.
Ông Nguyễn Bá Thanh thì cũng chẳng tốt đẹp gì, ông này ăn cũng bạo và ra tay cũng bạo. Vụ cướp đất Cồn Dầu là một vết nhơ không thể xóa trong sự nghiệp chính trị của ông. Tuy nhiên, bên cạnh những điều đấy thì đa phần người dân Đà Nẵng thừa nhận ông Thanh có năng lực quản lý, chứ không như hầu hết những quan chức Cộng sản khác.
Đấy là câu chuyện ông Nguyễn Bá Thanh. Còn về ông Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng và là Cựu Bí thư Thành ủy Hải Phòng thì sao? Ông Thành không làm nên một Hải Phòng thay da đổi thịt mạnh mẽ như ông Nguyễn Bá Thanh đã làm với Đà Nẵng, nhưng ông cũng làm được gần giống với Nguyễn Bá Thanh. Tuy nhiên, ông Thành không để lại vết đen sự nghiệp như ông Thanh, với trường hợp dân oan Cồn Dầu.
Có thông tin cho Thoibao.de biết, ông Lê Văn Thành bị điều về Chính phủ chứ ông không muốn. Ông Thành an phận thủ thường hơn ông Nguyễn Bá Thanh. Ông Thanh là bị nhử, bị ông Trọng đem suất Ủy viên Bộ Chính trị ra nhử và ông bỏ Đà Nẵng ra Hà Nội. Tuy nhiên, dù thế nào thì khi rời khỏi tổ kén, ông Lê Văn Thành và ông Nguyễn Bá Thanh đều gặp họa giống nhau.
Hiện nay, ông Lê Văn Thành vẫn đang được điều trị tại Nhật Bản, một căn bệnh được cho là giống bệnh của ông Trần Đại Quang trước đó. Cũng có tin, ông Lê Văn Thành đi Nhật rồi về, rồi lại đi tái khám, không khác gì ông Trần Đại Quang trước đây. Theo đánh giá của giới thạo tin, sự nghiệp chính trị của ông Lê Văn Thành xem như đã chấm dứt.
Có tin là, thế lực Tây Ninh và nhóm quyền lực ở Hà Nội muốn điều ông Lê Văn Thành về Trung ương để cướp thành quả của ông, giao cho nhóm Tây Ninh. Trần Lưu Quang thay ông Lê Văn Thành và đã dùng thành phố này làm bàn đạp để nhảy vào Chính phủ. Việc ông Trần Lưu Quang trở thành Phó Thủ tướng Thường trực chỉ là vấn đề thời gian. Hiện nay, Bí thư Thành ủy Hải Phòng là một người Tây Ninh khác, đó là ông Lê Tiến Châu. Theo đánh giá của một số nhà quan sát cho biết, ông Châu cũng chỉ dùng Hải Phòng như là bàn đạp để vào Trung ương, chứ chẳng phải hết lòng. Công lao ông Lê Văn Thành xây dựng để kẻ khác xơi, còn ông bây giờ chiến đấu với tử thần. Chính trị trong chế độ Cộng sản nó thế, không bao giờ có công bằng, dù chỉ xét trong nội bộ Đảng.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)