Có thể nói, Đảng Cộng sản hiện nay luôn tự hào về đường lối ngoại giao cây tre của họ. Theo lý giải của Đảng Cộng sản thì đấy là đường lối ngoại giao “uyển chuyển”. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, thì lối ngoại giao này là lối ngoại giao thiếu khôn ngoan, thiếu sáng suốt. Bởi nó cho Đảng Cộng sản nhiều mối quan hệ, nhưng không mối quan hệ nào có chất lượng.
Ngược với lối ngoại giao cây tre của Việt Nam, chính sách ngoại giao của Đài Loan cứng rắn, vững chắc hơn. Đài Loan chọn làm bạn với Mỹ mà không cần phải kết bạn với những thứ “lôm côm” không giúp ích gì cho họ, nếu bị Trung Quốc đe dọa. Lối ngoại giao của Đài Loan đã cho họ một kết quả không thể tốt hơn.
Năm ngoái bà cựu Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, Nancy Pelosi, sang thăm Đài Bắc. Trung Quốc làm ầm ỹ, tưởng như muốn ăn tươi nuốt sống Đài Loan, nhưng rồi họ lại chẳng dám làm gì.
Mới đây, bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan, đã gặp Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy vào khoảng thời gian bà quá cảnh tại Mỹ, trong hành trình công du của bà. Trung Quốc cũng hùng hổ đe dọa, như muốn ăn tươi nuốt sống Đài Loan, nhưng họ cũng chẳng dám động thủ. Chính sách ngoại giao của Đài Loan là chính sách khôn ngoan. Còn chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam là chính sách thiển cận, thiếu sáng suốt.
Thực ra, chính sách ngoại giao cây tre của Cộng sản là chính sách đu dây. Họ đang đánh đu giữa Tàu và Mỹ. Họ sợ Tàu, không dám trái ý Tàu. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ mỗi năm có thể giúp Việt Nam kiếm thêm trên 50 tỷ đô la. Con số này rất lớn, nếu so sánh, thì GDP của Việt Nam chỉ tầm hơn 300 tỷ đô la Mỹ một chút. Việc đu dây này là một cách làm ngoại giao kiểu khôn lỏi, có lợi trước mắt đối với Đảng Cộng sản, nhưng không có lợi cho Việt Nam. Bởi khả năng tự vệ của Việt Nam trước Trung Quốc là rất yếu, vì chẳng có người bạn lớn nào đứng ra hỗ trợ Việt Nam khi Việt Nam khó khăn.
Chuyến công du của ông Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc hồi cuối 10/2022 là một chuyến đi có nhiều nghi vấn. Được biết, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Trung Quốc là quan hệ giữa hai Đảng chứ không phải ngoại giao giữa 2 quốc gia. Hai ông Tổng Bí thư có ký kết gì bí mật hay không thì không ai biết được. Rồi sau đó, là Chính quyền phải triển khai theo những gì đã cam kết.
Ngày 11/4, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội đã gặp ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, để bàn về dự án đường sắt đô thị Hà Đông – Xuân Mai. Một dự án được xem là Cát Linh – Hà Đông thứ hai tại Hà Nội. Theo thông tin công khai trên báo chí trong nước, nguyên nhân ông Hùng Ba đến gặp ông Đinh Tiến Dũng là để nhắc nhở ông Bí thư Thành ủy Hà Nội triển khai những gì ông Nguyễn Phú Trọng đã ký kết với ông Tập Cận Bình, trong chuyến đi Trung Quốc từ ngày 30/10/2022 đến ngày 1/11/2022.
Vậy là đã rõ, chính ông Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc rước của nợ về, tròng lên đầu thành phố Hà Nội. Còn ông Đinh Tiến Dũng chỉ là người thi hành mà thôi. Có người cho rằng, có thể đây là thòng lọng mà ông Nguyễn Phú Trọng bị ép buộc phải mang, rồi ông đem nó tròng vào thành Phố Hà Nội. Phụ thuộc chính trị vào Trung Quốc, Việt Nam đang ngày một phụ thuộc hơn về mọi mặt vào ông láng giềng phương bắc xấu tính, vậy thì, Việt Nam “muôn năm” thế nào cho được?
Mới đây, ông Nguyễn Phú Trọng có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Cuộc điện đàm này hứa hẹn ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm Mỹ. Tuy nhiên, theo giới quan sát, cuộc điện đàm này chẳng qua là cách ông Trọng “đu dây” mà thôi. Mang Việt Nam đặt sâu vào bàn tay Tập thì phải diễn bài ngả về Mỹ, để đánh lạc hướng. Việc ngả về Mỹ chỉ là vấn đề kinh tế, còn về vấn đề chính trị, ông Trọng đã chọn ngả về ai rồi. Sẽ không thay đổi.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)