Link Video: https://youtu.be/r3Rvv6-Ikr4
Ngày 21/4, trang RFA Tiếng Việt có bài “Nỗi khổ người lao động tại thành phố có mức sống cao nhất Việt Nam”.
Bài báo dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam vào cuối tháng 3/2023 công bố, Hà Nội đứng đầu danh sách địa phương có mức sống cao nhất Việt Nam, với số điểm tuyệt đối 100/100. Không rõ, “mức sống” này được đánh giá dựa trên những tiêu chí nào.
Trên thực tế, mức sống tại thủ đô này ra sao?
RFA đã phỏng vấn một số người dân không muốn nêu tên vì lý do an toàn, một người cho biết vào giữa tháng 4/2023 rằng:
“Bon chen hơn các tỉnh hay thành phố khác, Hà Nội khó sống thì phải tiết kiệm, chứ tiêu hoang một tí là không còn gì.”
“Người dân thường thì bây giờ áp lực nhất là giá đắt, giá cao mà đi làm khó khăn, dân lao động đi làm quá khó khăn luôn.”
“Đắt! Giờ cứ thử tính xem, lương một công nhân như vợ chồng con dâu nhà này chi phí ăn học cho con nhiều lúc không dám đi ăn sáng, tiết kiệm không đủ tiền học cho con.”
Cũng dẫn nguồn từ Tổng cục thống kê, RFA cho biết, Quảng Trị là địa phương có mức giá thấp nhất cả nước, bằng 86,83% so với Hà Nội.
RFA tiếp tục dẫn lời người dân dấu tên cho biết, giá thuê nhà trọ đúng là gây áp lực nhất với gia đình người đàn ông này.
“Áp lực nhất là nhà trọ, đa số nhà trọ giá cao, rẻ nhất là hai triệu mấy một phòng chỉ hai người ở, trong khi đó điện, nước chưa có. Đối với tôi nhà nghèo nên không thuê nhà trọ đắt tiền, chỉ thuê nhà trọ 1,6 triệu, cái nhà phải mở cửa suốt ngày cho không hôi vì cũ, nát.”
Hai tài xế Grab thì tâm sự với RFA rằng, giá cả hàng hoá đắt đỏ trong khi thu nhập không cao, cũng khiến họ “liêu xiêu”.
“Bọn tôi bây giờ thu nhập chẳng ăn thua gì, phí của Grab giờ cũng cao, làm một tháng 8 – 9 triệu, thật tiết kiệm. Chi phí như bọn tôi cũng áp lực, vì một ngày làm từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm mất bốn bữa (ăn) là 120 (ngàn), chưa tính nước, thuốc (lá), xăng, là tầm 200 ngàn/ngày. Mà nếu làm 200 ngàn chỉ đủ ăn thôi.”
“Đắt hơn các ngoại tỉnh nhiều, ăn uống cũng thế. Nói chung mình phải chi tiêu hợp lý, không tiêu hoang, tiêu theo mức độ bình dân của người lao động thôi, không tiêu quá.
Ai cũng thế, người lao động công nhân nếu có hai, ba đứa con đi học thì lúc ăn cũng chẳng dám ăn, để dành cho con.”
RFA cho biết, đây là năm thứ hai liên tiếp, cơ quan thống kê ghi nhận, Hà Nội có giá cả sinh hoạt đắt đỏ nhất đất nước hình chữ S.
Tuy vậy, nhiều người lao động cho hay, dù cuộc sống ở thủ đô đắt đỏ bậc nhất, dù chật vật ra sao, thì họ vẫn phải gồng mình sống tiếp, vì không còn lựa chọn khác.
“Bắt buộc áp lực thì vẫn phải sống, tôi năm nay 70 (tuổi) nhưng vẫn phải đi làm hỗ trợ cho nó (con cháu).”
“Tôi sống ở đây cũng lâu, mười mấy năm rồi. Tôi sống trên này gần như thành thói quen, Về quê thì biết làm gì? Chạy xe ôm (công nghệ) thế này cũng quen rồi, về quê khó sống.”
Đúng vậy, cuộc sống ở thành phố dù khó khăn, nhưng nếu về nông thôn lại càng khó khăn hơn. Bởi ở quê giờ đây, đất nông nghiệp, đất canh tác, phần thì bị thu hẹp do chuyển đổi cơ cấu sử dụng, phần thì bị chai hóa, sa mạc hóa do sử dụng hóa chất, phân bón hóa học, phần nữa bị ô nhiễm do các khu công nghiệp, nên không còn bao nhiêu. Hơn nữa, giá sản phẩm nông lâm nghiệp rẻ mạt, trong khi đòi hỏi về đầu tư cho nông nghiệp ngày càng cao, dẫn đến sản xuất nông nghiệp luôn thua lỗ. Ngoài ra, ở vùng nông thôn cũng không thể đầu tư sản xuất kinh doanh gì khác, chưa kể người lao động vốn không có kinh nghiệp kinh doanh, sẽ dễ bị thua lỗ nếu mạo hiểm kinh doanh.
Ở thời điểm này, cuộc sống của người lao động vô cùng khó khăn, khốn đốn. Không rõ, chính quyền Cộng sản Việt Nam sẽ có những giải pháp gì để vực dậy nền kinh tế và giúp người dân thoát khỏi tình cảnh hiện nay hay không.
Hoàng Anh – thoibao.de
>>> Cảnh sát Thái Lan điều tra vụ mất tích blogger Đường Văn Thái
>>> Chống tham nhũng mà chỉ “đốt lò” thì không hiệu quả
>>> Vì sao vịnh Hạ Long ngập rác?
>>> Mối quan hệ giữa bất bình thường giữa Thúy Nga và Tân Hiệp Phát
Hai xe VinFast cháy trong một tháng khiến dư luận nghi ngờ