Link Video: https://youtu.be/RfxronmDRcM
VOA Tiếng Việt ngày 5/5 có bài bình luận “Việt Nam “can thiệp nội bộ” Australia khi phản đối đồng xu có hình cờ vàng ba sọc đỏ?”
Theo đó, một số người am hiểu luật pháp quốc tế cho rằng, Hà Nội đã can thiệp vào công việc nội bộ của Australia, khi lên tiếng phản đối nước này lưu hành đồng xu kỷ niệm Chiến tranh Việt Nam có mang hình cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa trước đây.
Trước đó, ngày 4/5, VOA đã đưa tin, một đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ trích hai cơ quan thuộc Kho bạc và Bưu chính Australia phát hành đồng xu có hình cờ vàng, nhân dịp Canberra kỷ niệm 50 năm kết thúc tham chiến ở miền Nam Việt Nam vào năm 1973.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng còn đề nghị phía Australia “dừng lưu hành các vật phẩm này, đồng thời không để xảy ra những sự việc tương tự trong tương lai”. Bà Hằng cho rằng, “việc này hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Australia”.
VOA dẫn bình luận của luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, từng bị Việt Nam bỏ tù và trục xuất sang Đức, khẳng định rằng, Việt Nam chắc chắn đã “can thiệp vào công việc nội bộ của Úc”.
Ông phân tích:
“Lá cờ đó thuộc về Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Chế độ đó không còn nữa, nhưng nó vẫn là di sản của cộng đồng người Việt ở Úc, Mỹ và một số nơi trên thế giới, và đã được một số bang ở Mỹ và Úc công nhận là di sản văn hóa. Việc Bưu chính và một công ty Úc đưa vào đồng xu để kỷ niệm Chiến tranh Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với luật pháp Úc, không liên quan gì đến Việt Nam”.
VOA cũng dẫn Facebook của bà Nguyễn Hoàng Ánh, một Phó Giáo sư – Tiến sĩ có hơn 63.000 người theo dõi. Bà Ánh viết trên trang cá nhân rằng, bản thân bà “không có cảm tình đặc biệt gì với cờ vàng”, song bà “khá ngạc nhiên” về lời phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam mà bà xem là “sự gay gắt… không cần thiết” này. Bà Ánh cho rằng, quốc gia đó in gì lên tiền lưu niệm là quyền của họ. Bà nhấn mạnh rằng, “lịch sử là không thể bác bỏ”, trước khi chỉ ra sự thật là Australia có tham chiến với Việt Nam Cộng Hòa trong quá khứ, và bà đặt câu hỏi, “họ kỷ niệm cựu chiến binh của họ có gì sai đâu?”
Từ góc độ quan sát của mình, bà Ánh thấy rằng việc Hà Nội “cao giọng” như vậy “có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tốt đẹp” của quan hệ hai nước. Nhiều Facebooker khác cũng có chung quan điểm, theo quan sát của VOA.
Từ Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài đưa ra nhận định: “Việc phát hành đồng xu đó trùng với thời điểm 30/4, cho nên, có lẽ phía Việt Nam hơi vội vàng, hấp tấp, không chín chắn trong việc đưa ra phản ứng của mình, cho nên hoàn toàn không phù hợp, không đúng”.
VOA dẫn ý kiến của Facebooker JB Nguyễn Hữu Vinh, có 66.000 người theo dõi, liên hệ việc Việt Nam vừa phản đối Australia về vật phẩm kỷ niệm chiến tranh, với việc Trung Quốc có nhiều hoạt động, vật phẩm kỷ niệm cuộc chiến tranh đẫm máu với Việt Nam từ năm 1979 đến giữa những năm 1980, song Việt Nam lại không phản đối, không lên án Trung Quốc.
Luật sư Đài chỉ ra sự khác biệt là ở chỗ Việt Nam và Trung Quốc “có quan hệ ý thức hệ” và Đảng Cộng sản Việt Nam “chịu nhiều ơn huệ của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ”.
Khi Trung Quốc kỷ niệm cuộc chiến tranh 1979, thậm chí đưa ra thông tin sai lệch về cuộc chiến, Việt Nam “chỉ nhẫn nhịn chứ không dám phản đối”, ông Đài nhận xét và nói thêm: “Khả năng phản đối của Việt Nam với Trung Quốc là không được, nếu phản đối Trung Quốc sẽ lĩnh hậu quả nhiều hơn”.
Như tin của VOA đã đưa, cộng đồng người Việt tại Australia bày tỏ sự bất bình trước tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Một đại diện của Cộng đồng Người Việt Tự do ở Úc Châu nói với VOA rằng, lời phản đối của Việt Nam thật “vô lý” và “có tính cách độc đoán”.
Hoàng Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Phan Văn Mãi giam không án đối với Nguyễn Phương Hằng đến bao giờ?
>>> Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Tô Đại tướng, chuột dám vờn mèo!
>>> Thủ tướng gia cố quân đội, củng cố “tuyến phòng thủ” trước ông Tổng
>>> Đại gia gặp đại hạn, sau Dr. Thanh, Vũ Trung Nguyên bị “họa đất vùi”?
Xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm, Việt Nam nghĩ cách tăng xuất khẩu sang Trung Quốc