Từ khi nhóm lên cái lò, ông Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định như đinh đóng cột rằng, “Quyết liệt, không có vùng cấm, ngoại lệ trong phòng chống tham nhũng”. Và câu nói này được báo chí nói đi nói lại trong nhiều năm qua. Đây là chiến dịch quảng bá thương hiệu cho ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cho Đảng Cộng sản thì đúng hơn là câu nói của sự quyết tâm.
Cho đến nay, lò ông Nguyễn Phú Trọng đã cháy đủ lâu để những nhà phân tích có thể đúc kết lại, xem câu nói của ông có thành sự thật hay không. Có người nói rằng, cho đến nay, người ta vẫn chưa thấy câu nói của cố Tổng thống Việt Nam cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu là sai. Bởi vì, những gì mà Đảng Cộng sản hô hào, thì y rằng, họ không làm theo.
Vùng cấm dễ thấy nhất là “phe ta” trong chiến dịch chống tham nhũng. Ông Đinh La Thăng, ông Trần Bắc Hà vv.. bị ông Nguyễn Phú Trọng truy tới cùng, trong khi đó, ông Tô Lâm dính đến vụ án Mobifone mua AVG, thì không thấy ông Nguyễn Phú Trọng đả động gì. Đây cũng là cùng một vụ án đã khiến 2 ông cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, là Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son, đều bị dính án tù. Đó là cách mà ông Nguyễn Phú Trọng tạo ra vùng cấm, là đặc ân mà ông Trọng ban phát cho đệ tử, người trung thành với ông ta.
Vùng cấm thứ nhì là trường hợp ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Trong vụ truất phế ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, một số người vẫn cho rằng, có sự thoả thuận giữa phe ông Nguyễn Phú Trọng và phe ông Nguyễn Xuân Phúc, về việc ông Phúc rút lui khỏi chính trường, để đổi lại vợ con ông được an toàn. Vì sao như vậy?
Theo một số nhà phân tích thì việc điều tra bà Trần Thị Nguyện Thu có dính đến Việt Á hay không là việc của Bộ Công an. Chỉ có Công an mới có đủ nghiệp vụ để điều tra tường tận đường dây liên kết của Việt Á với các quan chức. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chỉ thanh tra về mặt Đảng, họ không đủ nghiệp vụ để điều tra sự liên quan của bà Nguyệt Thu với Việt Á. Cho nên, phải có kết quả của Công an điều tra hoặc tòa án ra phán quyết, thì lúc đó bà Nguyệt Thu mới vô can. Còn một cơ quan thanh tra của Đảng thì làm gì đủ nghiệp vụ điều tra mà khẳng định rằng, vợ con ông Nguyễn Xuân Phúc không liên quan? Sự khẳng định này, hoặc là nói bừa, hoặc là sự ngã giá 2 bên. Người ta thiên về khả năng 2 bên ngã giá trước khi ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức.
Trò chơi chính trị là những thủ đoạn, người trong cuộc có thể sẽ lật lọng nếu không công khai. Vì vậy, ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chớp thời cơ để tạo vùng cấm, nhằm ngăn chặn phe Nguyễn Phú Trọng nuốt lời. Vùng cấm này tạo ra, có thể được xem là “tai nạn” đối với phe ông Tổng Bí thư.
Trường hợp Công an thành phố Hà Nội, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội và cả Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội, đều hô hào nào là khởi tố, nào là truy tố vv… đối với ông Lê Thanh Thản, nhưng chẳng ai dám ra lệnh bắt. Đây cũng là một loại vùng cấm. Vùng cấm này là do chính ông Trọng đã ban “chiếu chỉ”. Chính tờ giấy ghi 4 câu thơ của ông Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra vùng cấm như thế.
Ngoài ra còn có nhiều vùng cấm khác. Ví dụ như, vụ VinGroup “bắt tay” với Viet A Corp thành lập VinBiocare, sẵn sàng cho sản xuất vắc xin Covid-19. Cho tới giờ đã lộ rõ đây là cái bắt tay ma quỷ, không hề sản xuất vaccine nào, mà chỉ tạo điều kiện cho Việt Á lớn mạnh, để làm những điều thất đức và phạm pháp. Cho đến nay, ai là người sở hữu 80% cổ phần trong Việt Á vẫn là vùng cấm mà Bộ Công an không dám động vào.
Đấy là những vùng cấm nổi lên, còn rất nhiều vùng cấm khác khó mà liệt kê hết. Vậy thì, chống tham nhũng mà tạo vùng cấm như thế thì khác nào tạo boongke cho tham nhũng trú ẩn? Ông Nguyễn Phú Trọng nói vậy nhưng không phải vậy.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)