Link Video: https://youtu.be/flWLG-pXYf4
Ngày 23/5, RFA Tiếng Việt có bài bình luận của tác giả Lê Minh với tựa đề “Kính thưa cụ Tổng, chúng cháu chưa giàu”.
Tác giả nhắc đến lời Tổng Trọng phát biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17/5 vừa qua, rằng:
“Mai kia có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của đại hội.”
Và tác giả khẳng định, tác giả không hề được mang lại hạnh phúc và giàu có. Có nghĩa, các hội nghị của Đảng đều thất bại.
Tác giả nhắc đến tình trạng ảm đạm của bức tranh kinh tế của Việt Nam hiện nay, theo đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, đơn vị này đã hỗ trợ tiền cho khoảng một triệu người lao động bị mất việc làm và có hoàn cảnh khó khăn. Họ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi hàng loạt doanh nghiệp bị giảm đơn hàng hoặc mất hợp đồng.
Tác giả dẫn loạt bài “Lương – chính sách và thực tiễn” được thực hiện trên báo Quân Đội Nhân Dân. Loạt bài này đưa ra những con số đáng kinh ngạc về quá trình cải cách tiền lương hơn 60 năm qua của Nhà nước Việt Nam.
Theo đó, chính sách lương của Việt Nam trải qua 4 giai đoạn: giai đoạn 1960 – 1984; giai đoạn 1985 – 1992; giai đoạn 1993 – 2002; và giai đoạn 2003-2020.
Báo Quân Đội Nhân Dân viết: “Tăng lương đồng nghĩa với tăng thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, trong quá khứ, việc tăng lương nhiều lần đã mang lại kết quả trái ngược. Khi lương chưa tăng, giá đã tăng vượt mức tăng của lương”.
Bài báo này lấy dẫn chứng từ bốn lần cải cách tiền lương, cho thấy, việc tăng lương luôn “đuổi” theo giá, nghĩa là lương chưa tăng thì giá cả đã tăng vọt. Thậm chí, trong lần cải cách tiền lương thứ hai (giai đoạn 1985 – 1992) đã chứng kiến một thời kỳ siêu lạm phát. Năm 1986, mức lạm phát lên đến 774,7%, khiến nền kinh tế rối loạn.
Ở giai đoạn 2004-2012, trong 8 năm, tiền lương tối thiểu được điều chỉnh tổng cộng bảy lần, trung bình, mỗi năm tăng khoảng 15%. Tuy nhiên, trong cùng thời gian đó, chỉ số lạm phát cũng tăng khoảng 2,5 đến 3 lần. Đặc biệt, có hai năm lạm phát đến mức hai con số, cao hơn nhiều so với mức tăng lương tối thiểu.
Báo này viết tiếp: “Mức siêu lạm phát của giai đoạn cải cách tiền lương 1985 – 1992 khiến việc tăng lương không còn ý nghĩa. Thậm chí, còn trở thành nỗi ám ảnh đối với những người hưởng lương”.
Tác giả nhận xét, những con số trên đủ để mô tả khái quát lẫn chi tiết bức tranh đầy những nghịch lý về giá – lương – tiền do Nhà nước điều hành trong suốt mấy chục năm qua.
Nhà nghiên cứu thì rạch ròi chính xác như thế, còn nhân dân chỉ gọn lỏn một câu: Năm anh em trên một chiếc xe tăng: xăng tăng, điện tăng, nước tăng, giá tăng… huyết áp tăng.
Các bà nội trợ còn súc tích hơn nữa. “Mỗi lần xách giỏ ra chợ như bị mất cắp”!
Tác giả tiếp tục phân tích, công nhân và nông dân, hai giai cấp mà Đảng Cộng sản Việt Nam gọi là tiên phong nòng cốt thì đời sống thuộc vào hàng nhọc nhằn nhất xã hội.
Tác giả dẫn khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021, cho thấy, 60% người lao động phải tiết kiệm các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân; thậm chí 0,3% phải vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội. Tất cả đều phải giảm chi tiêu khi lương tăng không kịp giá.
Tác giả cũng dẫn Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện, cho thấy: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn trước hàng loạt chi phí phải trang trải.
Tác giả dẫn thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cho biết, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (tức là ngoài thiếu ăn, thiếu mặc còn thiếu nước sạch, vệ sinh, chăm sóc y tế, điều kiện học hành…) trong năm 2022 chiếm đến hơn 7,5% dân số, với gần hai triệu hộ gia đình nghèo và cận nghèo. Trong đó vùng trung du và miền núi phía Bắc chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước, đến gần 22%.
Bên cạnh đó, thu nhập của nông dân chỉ vỏn vẹn chưa đến 6,5 triệu đồng/tháng cho cả một hộ gia đình trung bình bốn người, theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020.
Tác giả kết luận, cho tới nay, chưa thấy bao giờ Đảng ta có một hội nghị thất bại. Luôn luôn là thành công tốt đẹp. Nhưng các hội nghị thành công rực rỡ đã mang lại tiền bạc của cải và sự giàu có cho nhân dân hay chưa, như ông Tổng nhấn mạnh, thì xin ông tự rút ra kết luận.
Thu Phương – thoibao.de
>>> Tổng thống Ukraine đến Hội nghị G7 và nhận được nhiều sự ủng hộ
>>> Trung Quốc lại cho tàu khảo sát xâm phạm lãnh hải Việt Nam
>>> Vinh danh Hai Nhựt, Đảng đang thách thức dân?
>>> Bị quốc tế lên án, Đảng lại đổ lỗi cho “thế lực thù địch” chống phá
“Thói tham ăn” của người Việt góp phần làm suy giảm động vật hoang dã.