Link Video: https://youtu.be/6S-GTCFJ87U
Ngày 24/5, RFA Tiếng Việt có bài “Diễn biến nhanh của Trung Quốc ở Biển Đông và ứng phó của Việt Nam”.
Theo đó, Trung Quốc trong gần cả tháng nay tăng cường hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
RFA cho hay, từ ngày 7/5 đến nay, Trung Quốc cho tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 vào hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có thời điểm tàu Hướng Dương Hồng 10 cách đường cơ sở Việt Nam chỉ khoảng hơn 50 hải lý.
Vào ngày 18/5, Việt Nam đã lên tiếng phản đối Trung Quốc về những hoạt động gần đây của nước này tại khu vực Biển Đông, nói rằng “Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mình”, theo RFA.
RFA dẫn lời một nhà nghiên cứu Biển Đông cho biết, đến ngày 25/5, Trung Quốc vẫn duy trì tàu nghiên cứu khoa học Hướng Dương Hồng 10 cùng một tàu cảnh sát biển của nước này và một số tàu dân binh, trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam.
“Hôm nay lại đưa thông tin thêm là một tàu hải tuần của Trung Quốc đã đi vào trong khu vực gần Bãi Tư Chính.”
Vị chuyên gia đánh giá rằng, về tương quan lực lượng trên biển hiện nay giữa hai nước, thì đương nhiên là Trung Quốc mạnh hơn nhiều. Không chỉ đối với Việt Nam mà tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á cũng không thể so sánh được sức mạnh về lực lượng tàu so với Trung Quốc.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế, an ninh quốc phòng, Nguyễn Thế Phương bình luận với RFA rằng, hiện nay, trong quá trình hiện đại hoá quân đội, Việt Nam đang cố gắng phát triển đồng bộ vũ khí lục quân và hải quân, nhưng vẫn ưu tiên những vấn đề liên quan đến an ninh trên Biển Đông, vì đây là vấn đề lợi ích cốt lõi.
Ông Phương cho biết, đơn thuần về mặt số lượng, vũ khí trên biển của Việt Nam chắc chỉ bằng một phần ba so với Trung Quốc, nhưng cũng cần phải tính tới hai yếu tố quan trọng khác.
Thứ nhất là yếu tố con người, nghĩa là mua vũ khí rồi nhưng có đủ năng lực để sử dụng hay không. Thứ hai là những chỉ dẫn cách quân đội chiến đấu trong một cuộc chiến.
Tuy nhiên, theo ông Phương, quá trình hiện đại hóa quân đội, nhất là hải quân, đang bị chậm lại. Lý do thứ nhất là do thiếu tiền. Thứ hai là do quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất là Việt Nam là Nga đang gặp khó khăn bởi cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.
“Trong khi tình hình trên biển đó lại diễn biến quá nhanh dẫn đến phản ứng chính sách Việt Nam chưa theo kịp.”
Vẫn theo ông Phương, cường độ hiện diện của Trung Quốc ngày càng nhiều, ngày càng dồn dập so với cách đây năm năm. Các tàu cá, hải cảnh, tập trận và các quốc gia khác cũng đưa tàu qua lại ở khu vực này rất nhiều.
“Quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc rất nhanh, không chỉ về mặt công nghệ mà còn về mặt tổ chức và cách triển khai lực lượng ở trên thực địa quá nhanh đã khiến cho các nước nhỏ như Việt Nam, với nguồn lực như hiện nay không thể theo kịp.”
Gần đây, Việt Nam đã có động thái đàm phàn với Séc (vào tháng 4/2023) và sang Hàn Quốc (vào tháng 12/2022), để các nước này bán vũ khí cho Việt Nam. Ngoài chuyện đa dạng hoá nguồn cung vũ khí, Việt Nam còn thực hiện một số biện pháp khác để đối phó với Trung Quốc. RFA cho hay.
Về mặt quân sự, ông Phương cho biết, Việt Nam đang tự chế vũ khí ở trong nước, đặc biệt là các loại vũ khí dễ làm, để hạn chế nhập khẩu, để dành nguồn lực cho chuyện khác. Việt Nam còn gia hạn các loại vũ khí đã cũ, dẫn đến hậu quả như những vụ máy bay rơi.
Về mặt ngoại giao, theo ông Phương, Việt Nam cần cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, để thực hiện chiến lược “ngăn chặn chiến tranh từ sớm từ xa”.
“Với một nước nhỏ như Việt Nam thì kỳ vọng những việc làm về mặt đối ngoại sẽ ngăn chặn một cuộc xung đột có thể xảy ra ở Biển Đông, để không phải dùng tới lực lượng quân sự, vốn nói trắng ra là, nếu đánh nhau là sẽ thua.”
Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Nguyễn Thiện Nhân muốn lùa tiền dành cho dân vào miệng EVN
>>> Bị “đánh” tứ phía, Vượng Vin vung tay “đỡ gió”
>>> Kinh doanh mê tín, Thích Trúc Thái Minh lập kỷ lục thế giới
Bản án bất công đối với nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm