Trí tuệ Việt cứ phải mượn nhờ xứ khác để bay cao

Link Video: https://youtu.be/rG8X_EvQPt8

Ngày 29/5, trên blog của nhạc sĩ Tuấn Khanh có bài “Trí tuệ Việt, sao cứ phải xa nhà mới có thể bay cao?”

Theo nhạc sĩ, nếu tính cả tác giả Dương Thu Hương, diễn viên Quan Kế Huy, thì mùa hè 2023 có vẻ như là giai đoạn thật sự là bội thu, mang lại sự hãnh diện cho người Việt Nam, qua những giải thưởng nghệ thuật quốc tế. Ngày 27/5, tất cả tin tức trên báo chí và hãng tin lớn của thế giới đều xướng tên hai người Việt Nam đoạt giải tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76.  Đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất, và đạo diễn Phạm Thiên Ân từ Việt Nam được tặng giải “Ống kính vàng” dành cho phim đầu tay hay nhất.

Nhạc sĩ cho biết, Đạo diễn Trần Anh Hùng, người lừng danh từ nhiều thập niên trước, và được giới điện ảnh châu Âu đánh giá như một tài năng độc đáo, khởi đầu với bộ phim ‘Mùi đu đủ xanh’. Giải thưởng năm nay của Trần Anh Hùng tại Liên hoan phim Cannes, chuyển thể từ tiểu thuyết Cuộc sống và đam mê của Dodin-Bouffant, nói về nghệ thuật ẩm thực Pháp.

Còn Đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân đoạt giải thưởng Ống kính vàng với bộ phim Bên trong vỏ kén vàng, một bộ phim tâm lý và giả tưởng. Đạo diễn Phạm Thiên Ân, sinh năm 1989, định cư tại Hoa Kỳ vào năm 2015. Phim này anh lấy bối cảnh Việt Nam để thực hiện.

Nhạc sĩ nhận xét, câu chuyện của những người Việt Nam bước ra thế giới và thành danh, dường như đều có chung những điều khó nói trên báo chí trong nước. Quan Kế Huy khi được truyền thông Việt Nam rầm rộ đưa tin, nhấn mạnh là gốc Việt, thì không thể thuyết minh được hành trình của ông có mặt tại Hoa Kỳ. Tác phẩm Chốn Vắng của Dương Thu Hương thì tất cả các nhà báo trong nước nhận được lệnh không được đề cập đến. Với Phạm Thiên Ân thì có vẻ nhẹ nhàng và không “vấn đề”, tuy nhiên, không biết được Phạm Thiên Ân rồi sẽ có thêm những tác phẩm nào, có thể bị nhìn ngó bằng “con mắt khác”.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết, Đạo diễn Trần Anh Hùng (sinh năm 1966), cũng từng bị báo chí trong nước – dường như có tổ chức – mở những cuộc tấn công dữ dội vào tác phẩm Xích Lô của ông, bởi cũng bị nhìn ngó bằng những “con mắt khác”. Thậm chí, Đạo diễn Trần Anh Hùng còn bị cấm về nước trong nhiều năm. Trong khi đó, tác phẩm Xích Lô đã nhận giải Sư tử vàng ở Liên hoan phim Venise lần thứ 52 ở Ý vào tháng 9/1995.

Hình: Bài trên blog của nhạc sĩ Tuấn Khanh

Nhạc sĩ kể lại câu chuyện khôi hài của việc kiểm duyệt phim ở Việt Nam, khi một đạo diễn quay một phân đoạn những kẻ xấu ngồi đánh bạc và hút thuốc. Khi duyệt, ở trên có ý kiến, để đánh bạc như vậy là tạo hình ảnh xấu. Thế là những kẻ đánh bạc cho quay lại, thành ngồi uống café và hút thuốc. Nhưng tháng sau, phía kiếm duyệt lại nói, hiện đang có chiến dịch chống hút thuốc, nên không được để hình ảnh hút thuốc trực diện. Dĩ nhiên, buộc phải thay. Người kiểm duyệt trực tiếp kết luận “vậy thôi, biết sao giờ”. Đạo diễn nhẩm tính phí tổn quay lại, xong chặc lưỡi “vậy thôi, biết sao giờ”. Giữa những ý kiến kiểm duyệt chập chờn, mọi thứ với nghệ thuật luôn chỉ “biết sao giờ”.

Nhạc sĩ cho biết, với phim Xích Lô, Đạo diễn Trần Anh Hùng cũng được gợi ý viết để “minh oan” cho mình. Ông viết:

Khi tôi làm phim Cyclo, tôi không hề nghĩ đến chuyện bôi nhọ đất nước của tôi. Tôi là một nghệ sĩ Việt Nam định cư ở nước ngoài. Và Tổ quốc Việt Nam rất thiêng liêng đối với tôi… Mục đích của tôi khi làm phim này là để đưa vào nền Điện ảnh thế giới một tác phẩm nghệ thuật do một người Việt Nam làm.”

Tác giả nhận xét, đọc những dòng tự bạch của đạo diễn Trần Anh Hùng, và trải qua những gì đã có trên đất nước, người ta chợt hiểu rằng, kiểm duyệt ở Việt Nam là những ý tưởng lem luốc về chính trị, và phần lớn bao gồm những gì người kiểm duyệt không đủ sức hiểu nổi. Họ cắt, cấm, chận, bỏ… những điều họ không đủ trình độ thu nạp, mà mục đích là an toàn trên hết. An toàn trong sự chật chội của trí tưởng nông cạn và hèn nhát.

Và, nhạc sĩ chua xót nhận xét, các giải thưởng đây đó bên ngoài Việt Nam, cho người Việt Nam – cho đến nay điểm lại thì đã rất nhiều – cho thấy, trí tuệ người Việt như con diều, luôn khao khát bay cao, bay xa. Nhưng sợi dây để dắt đưa nó bay lên, chắc chắn không thể là sợi dây kiểm duyệt tù đọng. Rõ là đã có những con diều Việt Nam đành cứ phải mượn nhờ những sợi dây khác, dắt đưa lên cao, những sợi dây không phải ở quê hương mình.

Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Kiyv tước danh hiệu công dân danh dự của Trường Chinh

>>> Việt – Thái đối thoại về an ninh, không rõ có đề cập đến vụ bắt cóc Đường Văn Thái?

>>> Bi hài chuyện cơ chế “đặc thù” ở Việt Nam

Việt Nam cần chủ động hơn để đối phó với sự leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông