Link Video: https://youtu.be/_VKRPv92DYA
VOA Tiếng Việt ngày 31/5 loan tin, “60 công dân Việt Nam được giải cứu tại sòng bạc ở Philippines về nước”.
Theo đó, VOA cho biết, một nhóm 60 công dân Việt Nam hôm 30/5 đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất ở thành phố Hồ Chí Minh, sau khi được giải cứu cùng với hơn 370 người Việt khác, tại một sòng bạc ở Philippines.
Trong khi đó, VietnamNet cho biết chi tiết hơn, theo đó, ngày 4/5, các lực lượng chức năng Philippines đã giải cứu hơn 1.000 người, trong đó có 437 công dân Việt Nam, bị ép buộc làm việc trong cơ sở do Tập đoàn Clark Sun Valley Hub làm chủ ở tỉnh Pampanga, gần thủ đô Manila. Những người này hiện đang lưu trú an toàn tại một cơ sở do cơ quan chức năng Philippines bố trí.
VOA dẫn tin từ Cổng Thông tin Chính phủ Việt Nam (VGP News) cho hay, phía Việt Nam đã “phối hợp chặt chẽ” với các cơ quan chức năng sở tại, để hỗ trợ các công dân Việt Nam, nhất là những người không có giấy tờ đi lại còn giá trị.
Theo VietnamNet, ngày 6/5 và 9/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã đến thăm hỏi, tiến hành phỏng vấn, lên danh sách và thu thập thông tin các công dân Việt Nam; hỗ trợ thuốc men cho một số người bị ảnh hưởng về sức khỏe.
Đại sứ quán đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại, để lên phương án hỗ trợ công dân sau khi phía Philippines ra kết luận cuối cùng về vụ việc.
Tin từ VGP News cho hay, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Cục Lãnh sự và Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, tiếp tục trao đổi với phía Philippines để “sớm đưa số công dân còn lại về Việt Nam an toàn”.
VOA dẫn tin từ VnExpress đưa tin rằng, 437 công dân Việt Nam trên nằm trong số 1.090 người được giải cứu, từ một cơ sở đánh bạc gần Manila. Họ “đến từ nhiều nước châu Á” và “bị lừa bán sang Philippines”.
Theo báo điện tử VnExpress, bà Michelle Sabino, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng chống Tội phạm Mạng thuộc Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Philippines, nói rằng, các nạn nhân “bị tịch thu hộ chiếu, bị giam lỏng và ép làm việc 18 tiếng một ngày, thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến”.
Cảnh sát Philippines tiến hành cuộc đột kích sau khi Đại sứ Indonesia tại Manila kêu gọi giúp tìm kiếm những công dân nước này đang cầu cứu từ bên trong cơ sở của nhóm buôn người, theo VnExpress.
Ít nhất 12 người tình nghi đã bị bắt và sắp bị buộc tội buôn người, theo VietnamNet.
Đây có lẽ là vụ buôn người đầu tiên sang Philippines được phát hiện, và phía Việt Nam tỏ ra khá sốt sắng. Trong khi đó, có rất nhiều vụ buôn người sang Campuchia, cũng bị ép làm việc cho các sòng bạc, đa số do người Trung Quốc làm chủ, thì Chính phủ Việt Nam tỏ ra thờ ơ.
Vào đầu tháng 1/2023, BBC Tiếng Việt đã có phóng sự về những trường hợp là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên bị lừa bán sang Campuchia, và thoibao.de giới thiệu lại đến quý khán thính giả. Theo các nạn nhân trong phóng sự thì công an “không làm gì hết”, từ khi gia đình họ trình báo với cơ quan công an, cho đến khi họ được giải thoát trở về.
Không những thế, sau khi các nạn nhân được tổ chức BPSOS giúp giải cứu và trở về nhà, thì đến cửa khẩu Mộc Bài, họ còn phải nộp phạt 6 triệu đồng mỗi người, vì “qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật”.
Cần nói rõ thêm rằng, BPSOS là một tổ chức xã hội dân sự độc lập do người Việt hải ngoại thành lập, một tổ chức bị nhà cầm quyền Việt Nam quy cho là “phản động”. Như vậy, điều mỉa mai là “phản động” thì giúp đỡ nạn nhân buôn người, trong khi đó, chính quyền lại thờ ơ, mặc kệ, thậm chí còn cư xử theo kiểu “ngu thì ráng chịu”.
Nguồn tin từ VnExpress vào tháng 9/2022 còn cho biết, do số lượng nạn nhân quá lớn và liên tục tăng, nên họ gặp khó khăn trong việc giải cứu. “Gần như lúc nào cũng có người gọi điện trình báo, cả ngày lẫn đêm”.
Quả thật là, “tự hào quá Việt Nam ơi!”
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Nấp sau lòng yêu nước và “nhồi sọ” học sinh, VinFast “gà què” không thể tự đứng?
>>> Không giải trình thông suốt tiền từ thiện, Thuỷ Tiên đem Trời Phật ra đỡ đạn!
>>> Chính phủ bế tắc, Thủ tướng bất lực
Đặc quyền nào cho Đại tướng Tô Lâm?