Link Video: https://youtu.be/yDdtLnwXwBs
Ngày 1/6, VOA Tiếng Việt loan tin “Việc bắt hay không bắt ông Putin làm lu mờ Hội nghị ngoại trưởng BRICS ở Nam Phi”.
VOA dẫn tin từ Reuters cho biết, Hội nghị ngoại trưởng của các nước BRICS ở Nam Phi ngày 1/6, đã bị lu mờ bởi những câu hỏi về việc, liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có bị bắt giữ hay không, nếu ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh của khối này, gồm 5 quốc gia, vào tháng 8 tới.
VOA dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi, Naledi Pandor, cho hay, nước của bà đang cân nhắc các lựa chọn pháp lý, nếu ông Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg theo kế hoạch. Ông Putin là đối tượng của một lệnh bắt giữ tội phạm chiến tranh do Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành.
Là thành viên của ICC, về mặt lý thuyết, Nam Phi buộc phải bắt giữ ông Putin, nếu ông ấy tham dự, và bà Pandor đã bị nhiều phóng viên hỏi dồn về vấn đề này, khi bà đến dự vòng hội đàm đầu tiên với các đại diện của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Bà nói với các phóng viên: “Chính phủ của chúng tôi hiện đang xem xét các lựa chọn pháp lý liên quan đến vấn đề này”.
“Câu trả lời là Tổng thống (Cyril Ramaphosa) sẽ xác định lập trường cuối cùng của Nam Phi. Thực tế là lời mời đã được gửi đến tất cả các nguyên thủ quốc gia (của BRICS)“, bà Pandor nói.
Trong khi đó, theo VOA, ông Putin chưa xác nhận về kế hoạch của mình, Điện Kremlin chỉ nói rằng, Nga sẽ tham gia ở “cấp phù hợp“.
Các bộ trưởng ngoại giao Brazil, Nga, Ấn Độ tham dự Hội nghị hôm 1/6 tại Cape Town, trong khi Trung Quốc cử đại diện là một Thứ trưởng. Chương trình nghị sự chính thức chưa được công bố.
VOA cũng cho biết, các nhà phân tích cho rằng, khối BRICS đang tìm cách đưa khối này trở thành đối trọng với phương Tây, sau sự kiện Nga xâm lược Ukraine. Họ nói rằng, việc mở rộng khối có thể nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị.
Từng được coi là một Hiệp hội lỏng lẻo, chủ yếu mang tính biểu tượng của một số nền kinh tế mới nổi, BRICS trong những năm gần đây đã định hình cụ thể hơn, ban đầu do Bắc Kinh làm động lực và kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 2/2022, là sự thúc đẩy thêm từ Moscow.
Các nhà lãnh đạo BRICS cho biết, họ sẵn sàng kết nạp các thành viên mới, bao gồm cả các nước sản xuất dầu mỏ.
Các quan chức cho biết, Venezuela, Argentina, Iran, Algeria, Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, nằm trong danh sách những nước đã chính thức đăng ký tham gia hoặc bày tỏ sự quan tâm. VOA cho hay.
Vào tháng 3/2023, Tòa Hình sự Quốc tế ICC đã phát lệnh truy nã với ông Putin, với cáo buộc ông Putin phạm các tội ác chiến tranh, khi cưỡng bức đưa trẻ em Ukraine rời khỏi lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.
Tin từ BBC cho biết, tòa này nói rằng, tội ác đã xảy ra ở Ukraine, ít nhất là từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 – khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện.
Trong khi đó, Moscow đã bác bỏ cáo buộc về tội ác chiến tranh trong cuộc xâm lược, tuy họ không che giấu việc đưa trẻ em từ các vùng Nga chiếm đóng của Ukraine về Liên bang Nga, nhưng nói đó là hành động “nhân đạo“.
Phía Nga từng nói, những người dân Ukraine ở phía Đông “chính là người Nga“, nhưng cùng lúc, họ vẫn bắn phá từ xa, giết hại nhiều thường dân Ukraine.
Những cáo buộc của ICC được đưa ra sau chuyến đi điều tra về tội ác chiến tranh ở Ukraine của Công tố viên ICC, Karim Khan, theo BBC. Ông Khan cho hay, trong thời gian tới Ukraine, ông chú ý tìm cách bằng chứng về tội ác nhắm vào trẻ em và việc cố ý tàn phá các mục tiêu dân sự.
Theo BBC, Ukraine từ lâu đã lên tiếng Nga “cướp dân” của họ bằng cách bắt người Ukraine ở phía Đông phải về Liên bang Nga. Điều này phạm vào tội “trục xuất cưỡng bức thường dân trong xung đột”, là một tội ác chiến tranh, theo Công ước chống Diệt chủng năm 1948.
Tuy nhiên, ICC không có quyền bắt giữ các nghi phạm và chỉ có thể thực thi quyền tài phán trong các quốc gia đã ký kết thỏa thuận thành lập tòa án.
Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Gia đình “đại chiến”: Dũng Lò Vôi bị con riêng của vợ kéo chân vào nhà lao
>>> Tổng thống Mỹ Biden bị ngã khi rời sân khấu
>>> Con trai riêng bà Phương Hằng gửi đơn tố cáo Dũng “Lò Vôi”
Mâu thuẫn trong nội bộ nước Nga ngày càng lớn theo sự bế tắc của Nga trong cuộc chiến Ukraine