Tại Hà Nội, khi ông Nguyễn Đức Chung bị bắt thì ông Chu Ngọc Anh lên thay. Ông Chu Ngọc Anh lên thay chẳng bao lâu thì cũng bị vào tù vì dính đến Việt Á. Nếu xét trước đó, ông Nguyễn Thế Thảo tuy hạ cánh an toàn, nhưng sai phạm của ông này để lại cho thành phố là rất lớn. Rồi ông Nguyễn Đức Chung thay ông Nguyễn Thế Thảo cũng sai phạm.
Câu chuyện này đâu chỉ xảy ra với thành phố Hà Nội, mà nó cũng xảy ra với thành phố HCM. Ông Lê Thanh Hải để lại sai phạm Thủ Thiêm với oan khuất ngất trời, người thay ông Lê Thanh Hải là ông Đinh La Thăng cũng chẳng sạch sẽ gì.
Ngày 3/6, ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng, đã ký các quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác. Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng với ông Cao Tiến Dũng.
Trước đó, ông Đinh Quốc Thái, Cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cũng đã bị C03 Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Nhận hối lộ”. Cùng bị bắt với ông Thái khi đó cũng có ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai.
Còn rất nhiều trường hợp khác cho thấy, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng đốt lò, ông lại thay vào những vị trí trống bằng những con người tham nhũng. Thực tế thì Đảng Cộng sản không có người trong sạch để thay thế người đã nhúng chàm. Tham ô ở Việt Nam đã phát triển đến mức không thể diệt. Trong Đảng Cộng sản có nhiều nhóm lợi ích, và trong mỗi nhóm lợi ích đấy thì mỗi cá nhân chỉ là mắt xích mà thôi. Việc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng là đục bỏ một mắt xích trong bộ máy tham nhũng, và khi thay thế vào mắt xích đó bằng một cá nhân khác, bộ máy tham nhũng lại hoạt động như cũ.
Ông Nguyễn Phú Trọng nhiệt tình chống tham nhũng, và ông cũng viết sách chống tham nhũng, coi đó là một loại tư tưởng, để đưa vào đại học bắt sinh viên phải “gặm” cho hết. Việc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng là cách chống của người có quyền cao nhất đối với những quan chức dưới quyền, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ chống tham nhũng dễ dàng. Còn với sinh viên, mà trong đó đa phần là thường dân, thì họ có dám chống tham nhũng hay không? Nếu dám tố tham nhũng thì sẽ bị trù dập, ai dám?
Thực tế, trò chơi chống tham nhũng chỉ là trò chơi dành cho ông Tổng Bí thư, chứ không dành cho quan chức cấp cơ sở. Bởi quyền lực không đủ lớn mà bày đặt chống tham nhũng, thì không khéo lại bị tham nhũng quật lại cho mất ghế. Còn nhớ, ngày 4/3/2016, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, phát biểu về công tác phòng chống tham nhũng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng (Hội nghị chống tham nhũng), do Bộ Tư pháp tổ chức. Ông Đạt nói rằng, “Chống lại có khi chúng tôi chết trước!” Và câu nói đó phản ánh thực tế nhất, rằng, việc chống tham nhũng chỉ là việc dành riêng cho ông Tổng Bí thư.
Chống tham nhũng mà thay tham nhũng này bằng tham nhũng khác, thì chẳng khác nào “dã tràng xe cát”. Cái được cho dân không có, trước khi chống tham nhũng thì Đảng Cộng sản là Đảng tham nhũng, sau khi chống tham nhũng thì Đảng Cộng sản cũng là Đảng tham nhũng.
Lẽ ra, để làm sạch Đảng Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng cần tạo ra quan chức trong sạch để thay thế. Tuy nhiên, việc tạo ra quan chức trong sạch là bất khả thi đối với ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự thật mà Đảng Cộng sản cần phải thừa nhận là, Đảng này không thể tạo ra con người trong sạch được. Tuy nhiên, nếu thừa nhận thực tế đó thì chế độ lung lay. Khi nắm quyền cai trị toàn dân Việt Nam, Đảng Cộng sản đã dựng lên bộ máy tuyên truyền khổng lồ. Mục đích của nó là tạo ra những giá trị tốt đẹp, nhưng không có thật, để vẽ mặt nạ cho Đảng. Nhờ đó, toàn Đảng an tâm đục khoét toàn dân, để mà tư lợi.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)