Những ngày gần đây, xe VinFast liên tục gây tai nạn ở nhiều nơi.
Vào khoảng 0 giờ ngày 6/6, chiếc ô tô VinFast biển kiểm soát 75A-235.79 di chuyển trên đường Lý Thái Tổ, thành phố Huế, với tốc độ cao. Khi đến đoạn trước cửa hàng xăng dầu số 05 đường Lý Thái Tổ, thì chiếc xe này bất ngờ đâm vào hàng loạt trụ tiêu trên đường, rồi tiếp tục đâm gãy một trụ điện.
Sau va chạm, chiếc ô tô bị lật ngửa bên lề đường. Các nhân viên cửa hàng xăng dầu số 5 đã kịp thời tiếp cận hiện trường, phá cửa xe cứu 2 người bên trong ra ngoài. Khi 2 nạn nhân vừa được đưa ra khỏi xe thì xe phát nổ và bốc cháy dữ dội.
Cùng ngày, một chiếc xe hơi khác cũng của VinFast đã gây tai nạn, khi tông vào hàng loạt xe gắn máy đang dừng chờ đèn đỏ, tại một ngã ba ở phường Bình Hòa, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Vụ tai nạn này gây thương tích nặng cho 3 người, trong đó có một nữ sinh 17 tuổi, được xác định là đã chết não.
Điều đáng nói là, nhiều tờ báo tại Việt Nam loan tin vụ tai nạn này, nhưng không thông tin xe hiệu gì. Có một số tờ cũng nhắc tới xe VinFast, nhưng chỉ để trong bài viết, chứ không dám giật tít. Thực tế, nếu nói xe VinFast gây tai nạn thì sẽ thu hút được nhiều sự chú ý nhiều hơn, nhưng tại sao nhiều tờ báo lại sợ “phạm húy”?
Chuyện xe VinFast gây tai nạn, nhưng các tờ báo khi đưa tin tránh đề cập tới thương hiệu, là câu chuyện đã diễn ra từ nhiều năm qua, chứ không phải mới đây. Nguyên nhân là do VinGroup thao túng truyền thông. Như vậy, câu hỏi là, tại sao VinGroup chỉ là một doanh nghiệp, mà lại có uy lực với truyền thông như vậy?
Có 2 giả thuyết: Giả thuyết thứ nhất cho rằng, ông Phạm Nhật Vượng bung tiền ra để mua truyền thông. Với 900 tờ báo mà ông Vượng mua hết được, thì cũng tốn rất nhiều tiền. Giả thuyết thứ nhì cho rằng, VinGroup là công cụ của Đảng Cộng sản, nên Đảng Cộng sản hỗ trợ cho Phạm Nhật Vượng kiểm soát thông tin báo chí.
Khả năng thứ hai là có cơ sở hơn, bởi năm ngoái, khi rộ lên tin đồn ông Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh, lập tức ngay sau đó, ông Tô Ân Xô, Trung tướng, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, đã lên truyền thông đính chính. Điều đáng nói là, Công an lại đi truy lùng, bắt người được cho là đã tung tin đồn thất thiệt. Như vậy, không những truyền thông Cộng sản, mà ngay cả Bộ Công an cũng bảo vệ VinGroup và bảo vệ ông Phạm Nhật Vượng.
Ngày 17/5 vừa qua, tại Đại hội Cổ đông thường niên năm 2023, ông Phạm Nhật Vượng có nói rằng, “Nếu vì tiền, VinGroup đã không làm ô tô”.
Nếu ông Phạm Nhật Vượng không vì tiền, vậy thì ông vì điều gì? Có người cho rằng, VinFast làm dự án ô tô là để rửa mặt cho Đảng Cộng sản. Bởi chính sự quản lý của Đảng này mà đất nước không phát triển được, đặc biệt là những lĩnh vực cần nhiều chất xám. Việt Nam thường bị chê là không làm nổi con ốc.
Thực tế, dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản, Việt Nam bị chảy máu chất xám rất nhiều. Theo ước tính, chỉ có 9% lao động Việt Nam là lao động có tay nghề, nhưng chỉ một số rất ít trong số lao động có tay nghề ấy đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các nhà tuyển dụng. Rất nhiều người tìm cách ra nước ngoài làm việc, rồi tìm cách ở lại tại các nước phát triển.
Với tiềm lực chất xám của đất nước rất yếu như vậy, nên khi ông Phạm Nhật Vượng làm xe Vinfast, toàn bộ phụ tùng đều là hàng nhập, Việt Nam chỉ làm được những công đoạn đơn giản. Tuy nhiên, khi lắp ráp để trở thành thành phẩm, thì sản phẩm lại là hàng Việt Nam. Chính vì nhập từ rất nhiều nguồn, và nguồn chất xám hạn chế, nên không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm, do đó mới để xảy ra chuyện xe bị lỗi liên tục.
Có thể nói, trong dự án làm ô tô của VinGroup, là có một phần để xây dựng hình ảnh cho Đảng Cộng sản trước người dân và trước bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, nội lực không đủ nên mới để xảy ra nhiều tai tiếng.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)