Link Video: https://youtu.be/hx6RdnDaD78
VOA Tiếng Việt ngày 12/6 có bài “Vụ giết nhân viên chính quyền ở Đắk Lắk: Nhiều người nói bạo lực không phải là giải pháp”.
Rạng sáng ngày 11/6, hai nhóm gồm hàng chục người đã tấn công 2 trụ sở chính quyền cấp xã ở tỉnh Đắk Lắk, giết chết ít nhất 7 người, bao gồm 4 viên công an, theo báo chí Việt Nam tường thuật.
VOA dẫn bình luận về vụ việc của một số luật sư, nhà hoạt động, nhà báo, nói rằng, việc sử dụng bạo lực, kể cả để đấu tranh chống bất công, là điều không thể ủng hộ, song họ cũng cho rằng, sự manh động tuyệt vọng của người dân không phải là vô cớ, và phía chính quyền cần phải xem xét lại chính mình.
Truyền thông nhà nước cho hay, tính đến chiều 13/6, công an đã bắt được 45 người, thu giữ “một số vũ khí quân dụng, trong đó có súng trường CKC”, và vẫn tiếp tục “truy quét các đối tượng còn đang lẩn trốn”.
Hiện nay vẫn chưa biết nguyên nhân của vụ tấn công.
Theo tìm hiểu của VOA, từ giữa năm 2022 đến tháng 3 năm nay, huyện Cư Kuin tiến hành giải phóng mặt bằng, bao gồm cả cưỡng chế, để lấy đất của hàng chục hộ dân ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Việc giải phóng mặt bằng, một phần để phục vụ dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, một phần để chấn chỉnh hành lang an toàn giao thông dọc theo Quốc lộ 27.
VOA dẫn báo chí trong nước cho hay, nhiều người bị “thiệt đơn thiệt kép” trong các cuộc giải phóng mặt bằng kể trên.
VOA dẫn lời nhà báo Chu Vĩnh Hải, một người thường lên tiếng phản biện xã hội, nói rằng, phía nhà nước Việt Nam cần phối hợp với một tổ chức độc lập để điều tra về vụ nổ súng ở Đắk Lắk, vì nếu chỉ có cơ quan nhà nước điều tra sẽ không khách quan.
Trên mạng xã hội, theo VOA, một số người bình luận rằng, vụ tấn công có thể là sự phản kháng bằng bạo lực của người dân, sau những thua thiệt, bất công, theo kiểu “con giun xéo lắm cũng quằn” hay “tức nước vỡ bờ”.
Tuy nhiên, VOA cho biết, có những người khác lên tiếng phản đối bạo lực, cho rằng, làm như vậy có hại cho cuộc đấu tranh lớn hơn để có dân chủ, tiến bộ xã hội ở Việt Nam.
Ông Chu Vĩnh Hải nói:
“Tôi phản đối các hành vi, hành động bạo lực, khủng bố… Phản kháng bằng bạo lực, khủng bố, gây thiệt hại rất lớn cho các bên, gây mất trật tự, mất ổn định cho cuộc sống xung quanh”.
Ông Hải chỉ ra rằng, vụ việc ở Đắk Lắk mới xảy ra nói riêng và những mâu thuẫn, xung đột ở Tây Nguyên trong nhiều năm qua nói chung, có nguyên nhân từ một trong ba, hoặc cả ba vấn đề “nổi cộm” là đất đai, sắc tộc và tôn giáo.
Đồng quan điểm với nhà báo Chu Vĩnh Hải, VOA dẫn lời Luật sư Hà Huy Sơn, đưa ra quan sát rằng, ở Việt Nam, không ít người dân có quan niệm là chính quyền “có lỗi” trong những bất công, nên họ “hả hê” khi thấy những vụ tấn công vào cán bộ, nhân viên chính quyền. Ông Sơn cho rằng, cách phản ứng đó chỉ kích động thêm bạo lực và vi phạm pháp luật.
Luật sư Sơn khẳng định, các mâu thuẫn, bất ổn, có nguyên nhân từ phía chính quyền, mà cơ bản là “các quyền dân chủ của người dân chưa được tôn trọng, pháp luật chưa hoàn thiện, chưa nghiêm minh”. Đây là vấn đề lớn có tính lịch sử, ông nói và cho rằng, không thể giải quyết bằng “một hai phản ứng tức thời”.
Ông Sơn lưu ý rằng, khi dùng bạo lực, tương quan lực lượng giữa người phản ứng và chính quyền quá là chênh lệch. Đồng thời ông cho rằng, ứng xử với nhau bằng bạo lực thì khác gì tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.
Trong khi đó, VOA dẫn lời nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, nói rằng, bà “phản đối và lên án bạo lực, nhất là những vụ bạo lực gây ra cái chết”. Nhưng bà cũng chỉ ra rằng, “bạo lực từ phía nhà cầm quyền cũng phải bị lên án một cách mạnh mẽ”.
Người dân sẽ chẳng bao giờ được biết sự thật đằng sau vụ việc kinh hoàng ở Đắk Lắk ngoài những gì được truyền thông nhà nước loan ra, bà Nghiên tiên liệu và nhận xét rằng, cũng giống như tòa án, luật pháp, chính quyền Việt Nam “sử dụng truyền thông như là một phương tiện bạo lực để định hướng dư luận”.
Đồng thời, bà Nghiên cũng dự báo rằng, “thế nào cũng có người bị bắt oan, bị xử oan. Một chế độ công an trị thì oan khuất ngút trời là lẽ đương nhiên”.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Trung Quốc muốn lập căn cứ gián điệp ở Cuba?
>>> Bề dày “thành tích” của ông Tướng Phạm Bá Hiền
>>> Báo nhà nước xóa bài về vụ tấn công đồn công an xã ở Đắk Lắk
Luật sư bị truy tìm như tội phạm