Những gì quản không được thì cấm, đó là cách quản lý của Đảng Cộng sản bao lâu nay. Điều đó thể hiện một Đảng chính trị thiếu năng lực quản trị. Bởi những người quản trị giỏi thì phải tìm ra giải pháp cho vấn đề, chứ không phải cấm. Cấm chứng tỏ Đảng bất lực. Quyền lực trong tay thì kẻ không có khả năng quản trị cũng biết cấm.
Chưa có một chế độ nào mà ban hành nhiều điều cấm như chính quyền Cộng sản. Cấm nói xấu chế độ, nghĩa là chế độ không có khả năng tự tốt lên. Cấm nói xấu lãnh đạo, nghĩa là lãnh đạo không có khả năng tự mình trong sạch. Cấm đọc những tờ báo “phản động”, nghĩa là báo Đảng không có khả năng phản biện lại báo “phản động”, vv… Và ở đất nước này, có cả hàng ngàn thứ cấm bủa vây nên đời sống người dân, rất ngột ngạt.
Thời đại 4.0 là thời đại thế giới xích lại gần nhau hơn, từ đó, con người học lẫn nhau những điều hay. Những sự học hỏi này ngoài tầm kiểm soát của Đảng Cộng sản, và thế là bộ máy chính quyền suốt ngày họp hành để ra những lệnh cấm. Trước đây cũng vậy, mà hiện nay cũng vậy, Đảng Cộng sản không theo kịp đà phát triển của xã hội, vì thế, những lệnh cấm ngày một nhiều hơn.
Tự do là người dân được sống trong một xã hội ít sự cấm đoán. Xã hội nào cũng có điều cấm, tuy nhiên, ở xã hội dân chủ, những điều cấm đã nằm trong quy định của luật pháp. Hầu hết những điều cấm ấy là cấm cái xấu nảy nở và phát triển, nên những điều cấm ấy nó bảo vệ cái tốt. Vì thế người dân tại các nước dân chủ không phải ngó trước ngó sau, sợ xuất hiện cảnh sát. Bởi những nơi này, người dân biết rằng, cảnh sát không thể đứng trên luật, mà dân không làm gì phạm luật thì chẳng có gì phải sợ. Còn ở Việt Nam, người dân thấy công an là sợ, thấy quan chức là lo âu, dù biết mình không làm gì sai.
Làm việc cho một kẻ quản lý ngu dốt, thì dù người có tài cũng không còn đường mà phát triển. Bởi những người có tài thường làm những điều mà người quản lý kém cỏi không quản nổi, nên phải cấm. Ở Việt Nam, hiện tượng chảy máu chất xám đang xảy ra rất nghiêm trọng. Thử xem, những học sinh đoạt quán quân Đường lên đỉnh Olympia được cấp học bổng du học Úc, có mấy ai muốn trở về Việt Nam? Hầu hết những người này cảm thấy vô dụng khi trở về, vì bị “trói tay trói chân”, không có đất dụng võ. Tức là, dù có là trí thức tài giỏi, người Việt cũng không thoát khỏi sự đè nén do chính quyền này tạo ra.
Những du học sinh thuộc hàng hạt giống đỏ thì về nước và họ vứt hết những gì đã được giáo dục ở nước ngoài. Họ tham gia vào tầng lớp quan lại, tiếp tục đè đầu dân. Nguyễn Thanh Nghị, Trần Tuấn Anh vv… là những người như vậy.
Làm doanh nghiệp tại Việt Nam cũng rất khó, nếu không cung phụng bộ máy chính quyền thì lại bị gây khó dễ. Muốn làm ăn được thì phải bôi trơn, mà bôi trơn thì phải cắt giảm chi phí cho sản xuất, thương mại, nên hàng hóa Việt Nam không thể có chất lượng tốt. Doanh nghiệp nước ngoài vừa phát triển bền vững, vừa bước chân ra thị trường toàn cầu, còn doanh nghiệp Việt thì mãi luẩn quẩn với thị trường trong nước.
Lãnh đạo kém, quản trị tồi, nhưng móc túi dân thì rất giỏi. Quan chức Việt Nam, ai ai cũng có nhà cao cửa rộng, xe Nhật xe Đức trông rất sang chảnh. Có ông còn khoe biệt phủ, khoe lâu đài và dùng tiền tỷ mua đồng hồ Thụy Sỹ đeo làm trang sức. Ngoài ra, chúng tôi được biết, trong nhà một số quan chức máu mặt, không thiếu những chai rượu ngoại bạc tỷ dùng để chưng và dùng để biếu.
Xã hội Việt Nam hiện nay phân tầng rất rõ ràng, tầng lớp quan lại ngày càng giàu sụ, còn đại đa số người dân thì sống rất cơ cực, thiếu trước hụt sau, quanh năm chiến đấu với 4 chữ “cơm – áo – gạo – tiền”. Dân càng cực khổ, càng nghèo khó, quan chức càng giàu có và vô đạo đức.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)