Mỗi năm, ngân sách mà Bộ Công an nhận là 100.000 tỷ đồng, tương đương 4,2 tỷ đô la. Nguồn tiền khổng lồ rót vào ngành công an, nhưng dường như, nguồn tiền này không dùng để cải cách nghiệp vụ của công an, mà nó dùng để chia chác lợi ích thì đúng hơn. Đi kèm với ngân sách tăng lên hàng năm, là hiện tượng lạm phát tướng tá. Hiện nay, trong Bộ Công an đang có 1 Đại tướng và 2 Thượng tướng. Tuy nhiên, mới đây Bộ Công an lại đề xuất tăng thêm Thượng tướng và một Đại tướng.
Bộ Công an chi ngân sách khủng, một phần đầu tư những vũ khí tối tân để chống lại dân, như xe bọc thép, xe phá sóng vv… Những thứ vũ khí này thường hay thấy Bộ Công an phô trương mỗi khi có hội họp gì lớn của Đảng, hoặc nghi dân biểu tình thì họ cũng đem ra dùng. Nhập nhiều thì ăn cũng nhiều. Trong các thương vụ mua sắm vũ khí này, các hợp đồng ấy là cơ hội để bên Công an Việt Nam nâng giá khống, nhận lại quả.
Bộ Công an lập ra là để bảo vệ chế độ, chứ không bảo vệ công lý, nên việc điều tra các vụ án làm sao cho khách quan, tránh oan sai, là điều xa xỉ đối với Công an Cộng sản.
Ngày 19/3/2015, ông Trần Trọng Lượng, Trung tướng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an, nói tại phiên họp Quốc hội là, từ 2012 – 2014, số người bị bắt, tạm giữ hình sự lên tới trên 200 nghìn người. Trong giai đoạn từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014 (3 năm) đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, trên toàn quốc.
Đấy là con số biết nói, nó nói lên sự tàn bạo của lực lượng cảnh sát điều tra đối với nghi phạm bị bắt giữ. Con số này một thời đã làm dậy sóng xã hội, và chính vì thế, những năm sau đó, Bộ Công an không công bố con số nữa, vì nó thể hiện sự gian ác quá sức tưởng tượng của lực lượng công an.
Cho đến nay, Bộ Công an Việt Nam có quân số ngày một đông hơn, vì bổng lộc ngày một nhiều hơn, nhưng về chất lượng nghiệp vụ thì vẫn không được cải thiện. Việc bức cung nhục hình vẫn xảy ra, và bức cung nhục hình cho đến chết vẫn xảy ra, nhưng báo chí không được phép lên tiếng, mà chỉ những trang Facebook cá nhân lên tiếng trong sự im lặng cả hệ thống báo chí. Được biết, từ trước đến nay, khi xảy ra trường hợp nạn nhân bị chết do bức cung nhục hình trong đồn công an, thì chưa có trường hợp nào gia đình nạn nhân có thể kiện thắng những kẻ đã gây ra những cái chết bi thảm đó.
Một luật sư cho chúng tôi biết, ở Việt Nam, quyền im lặng và quyền có luật sư ngay từ đầu không được thực thi, nên bị can không có khả năng tự bảo vệ mình. Một khi trở thành nghi phạm, họ thường bị đánh phủ đầu để phải khai, thậm chí là khai theo ý điều tra viên. Thường thì nhiều người không chịu nổi đau đớn nên đành mở miệng khai báo. Nếu không khai, thì rất có khả năng sẽ bị đánh cho câm miệng vĩnh viễn.
Những bản án ở nước ngoài là loại án tại tòa, nhưng ở Việt Nam thì án tại hồ sơ. Mà với tình hình bức cung nhục hình không kiểm soát, thì loại án tại hồ sơ vô cùng nguy hiểm, nó là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ án oan. Vụ án tử tù Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén là ví dụ điển hình cho loại ép cung nhục hình, gây ra oan sai ngất trời.
Làm công dân Việt Nam là thế, khi dính đến luật pháp thì người thấp cổ bé họng luôn chịu thiệt. Công an có thể dễ dàng ép cung nhục hình để có hồ sơ như ý, và ép cung nhục hình là cách tốt nhất để tạo ra thành tích phá án, nhanh để được lên lon. Điều này có nghĩa là, nhiều công an viên đã dùng người dân vô tội để tạo thành tích cho họ. Và đó là một loại tội ác, loại tội ác này rất khó để phát hiện, nhưng nó vẫn tồn tại một cách phổ biến.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)