Link Video: https://youtu.be/YES2scLIhB0
Ngày 14/6, blog Trân Văn trên VOA có bài “‘Sự kiện Cư Kuin”, hồi chuông cảnh báo?”
Tác giả cho rằng, nếu tìm kiếm, đối chiếu thông tin nhằm xác định nguyên nhân dẫn tới chuyện vài chục người có vũ trang tấn công trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, vào lúc rạng sáng 11/6, chắc chắn sẽ nhận ra: Việc phê duyệt, thực hiện các dự án, tiếp tục là nguyên nhân dẫn tới bất đồng giữa dân chúng và chính quyền địa phương.
Tác giả nhắc đến sự kiện xảy ra vào cuối tháng 10/2016, khiến dư luận Việt Nam rúng động, khi một người đàn ông 41 tuổi ngụ tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, bắn vào “đoàn cưỡng chế thu hồi đất lấn chiếm”, khiến ba người chết, 13 người bị thương. Hung thủ – ông Đặng Văn Hiến (sinh năm 1975) và ba đồng phạm – bị bắt.
Tác giả cho biết, ở cả hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, ông Hiến đều bị các Hội đồng xét xử phạt tử hình. Tuy nhiên, đã có khoảng 5.000 người ký vào kiến nghị Chủ tịch nước ân xá cho ông Hiến. Thân nhân của hai trong số ba nạn nhân bị ông Hiến bắn chết cũng gửi thư cho Hội đồng phúc thẩm, đề nghị đừng phạt tử hình ông Hiến. Các thẩm phán tham gia xét xử ông Hiến cũng áy náy với hình phạt tử hình do chính họ tuyên, nên liên tục nhắc nhở để ông Hiến đừng bỏ lỡ cơ hội xin ân xá! Vì sao lại thế?
Theo tác giả, giống như nhiều vùng khác ở Tây Nguyên, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, cũng là túi chứa di dân tự do, những người lìa bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn, dắt díu nhau đi khai hoang, lập nghiệp ở những vùng đất mới, với hi vọng có thể thoát khỏi khốn cùng. Ở Tây Nguyên, đất mới là những khu rừng nguyên sinh đã bị khai thác đến cạn kiệt, rồi bỏ hoang… Tuy hoang hóa, nhưng đất rừng luôn là công thổ, và vì vậy, chỉ chính quyền mới có quyền định đoạt công thổ.
Tác giả đề cập đến nguyên nhân dẫn đến sự kiện ông Hiến bắn vào những kẻ cưỡng chế đất. Sự việc bắt đầu vào năm 2008, chính quyền tỉnh Đắk Nông quyết định cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Tiếng là rừng, nhưng một phần không nhỏ trong 1.079 héc ta nói trên, đã là nơi cư trú, là vườn, là rẫy… vừa là sinh kế, vừa là tương lai của hàng trăm gia đình di dân. Sau vài thập niên đổ mồ hôi, sôi nước mắt, dốc hết sức lực, vốn liếng, vào việc khai hoang, định cư, hàng trăm gia đình đối diện với viễn cảnh vừa trắng tay, vừa vô gia cư…
Tác giả đặt câu hỏi, nếu cho thuê đất rừng nhằm phát triển kinh tế – xã hội địa phương, tại sao không cho những gia đình di dân tự do thuê lại phần đất họ đã khai hoang, mà lại dành quyền thuê cả thổ cư, vườn, rẫy của họ cho Công ty Long Sơn?
Suốt 8 năm, tác giả cho hay, toàn bộ hệ thống công quyền từ xã đến tỉnh ở Đắc Nông án binh bất động trước tất cả các đợt “cưỡng chế – thu hồi đất” mà Công ty Long Sơn thực hiện, bất kể những tội ác do Công ty này gây ra.
Theo tác giả, chỉ đến khi, người dân quyết định tự cứu mình, bằng cách tự vũ trang với súng tự chế, và ông Hiến đã bắn thẳng vào đoàn cưỡng chế, khiến 3 người chết, 13 người bị thương, thì hệ thống công quyền ở tỉnh Đắk Nông mới chuyển động. Ông Hiến bị kết án tử hình, tuy đến năm 2022 đã được ân xá, miễn tử. Ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, chủ Công ty Long Sơn bị 4 năm tù. Tuy nhiên, không một cán bộ nào của Đắk Nông phải chịu trách nhiệm.
Trở lại vụ việc mới đây ở Cư Kuin, tác giả cho biết, trong vài năm gần đây, báo chí nhà nước đã từng đề cập đến tình trạng hỗn loạn ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, sau khi chính quyền công bố chủ trương sẽ thực hiện một số dự án ở nơi này.
Tuy chưa thể xác định việc đất đai có liên quan đến “sự kiện Cư Kuin” chăng, nhưng chính sách đất đai bất hợp lý đang ẩn chứa rất nhiều mâu thuẫn, rủi ro.
Tác giả kết luận, “Sự kiện Cư Kuin” là hồi chuông cảnh báo về một ẩn họa mà tính chất, mức độ nguy hiểm đáng ngại hơn nhiều…
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Lịch sử xung đột sắc tộc Tây Nguyên
>>> Thanh tra và giám sát thanh tra
>>> TIẾNG SÚNG CƯ KUIN, ĐAK LAK
Mâu thuẫn sắc tộc Tây Nguyên đã âm ỉ từ lâu