Không cho tù nhân lương tâm chăm sóc y tế, sự vô nhân đạo của Đảng

Link Video: https://youtu.be/lMwEjd99D_U

Tin từ RFA Tiếng Việt ngày 15/6 cho biết “Nhà hoạt động Trần Bang kháng cáo án sơ thẩm, sức khỏe ngày càng xấu đi”.

Theo đó, nhà hoạt động Trần Văn Bang (còn được gọi là Trần Bang) đã kháng cáo bản án sơ thẩm, trong khi không được chữa trị, khối u trên cơ thể ngày càng to ra.

RFA cho biết, hôm 12/5, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt ông Bang 8 năm tù giam và 3 năm quản chế, về tội danh “tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”, trong một phiên toà kéo dài chỉ hơn 3 tiếng đồng hồ.

RFA dẫn lời một người em của ông Bang cho biết ngày 15/6 như sau:

Anh Bang đã làm đơn kháng cáo và gia đình được luật sư Trần Đình Dũng thông báo rằng, toà án đã chấp nhận đơn kháng cáo này. Giờ chỉ còn chờ toà án xếp lịch xét xử phúc thẩm.”

Người này cho biết, trong lần gặp ngày 2/6 tại trại tạm giam của cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh, tinh thần của anh ruột mình rất vững vàng, tuy nhiên sức khoẻ yếu đi. Ngoài mắt đau và tai ù, ông còn bị đau xương khớp.

Đặc biệt, khối u ở vùng bẹn vẫn đang phát triển và gây cho ông nhiều đau đớn, nhưng vẫn không được đi xét nghiệm sinh thiết, để có thể biết, có nên phẫu thuật cắt bỏ hay không.

Tháng 12 năm ngoái, ông được đưa đi khám bệnh ở Trạm xá của Trại tạm giam Chí Hòa và Bệnh viện 30/4 của Bộ Công an, và bác sĩ khuyên ông nên mổ sớm khối u này.

Theo RFA, ông Bang và gia đình đã làm đơn đề nghị với Giám thị trại giam cho ông được đi xét nghiệm sinh thiết, nhưng chưa được chấp nhận, và ông cũng chưa được khám lại, người em của ông nói.

Ông Bang, 62 tuổi, được nhiều người biết đến với nhiều lần xuống đường tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc trong các vụ việc xung đột với Việt Nam ở Biển Đông. Ông Bang từng bị an ninh Việt Nam đánh đổ máu đầu trong một lần tham gia biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2015.

Ông cũng là thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nơi quy tụ nhiều nhân sĩ trí thức cổ suý cho nhân quyền, cải cách chính trị và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đồng thời, ông cũng là thành viên nhóm “Vì môi trường”, một nhóm xã hội dân sự đấu tranh cho những bất công ở Việt Nam.

Ông cũng rất tích cực trợ giúp gia đình tù nhân lương tâm và những người hoạt động gặp hiểm nguy.

Hình: Bản tin trên RFA

RFA cho hay, trong phiên toà giữa tháng 5 vừa qua, ông bị kết tội sử dụng 3 tài khoản Facebook gồm “Trần Bang,” “Bang Trần” và “Tran Josh” để soạn thảo và đăng tải 39 bài viết có nội dung “tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng, nói xấu chính quyền nhân dân, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, thể hiện thái độ thù ghét, bất mãn đối với chính quyền, Đảng, Nhà nước và các vị lãnh đạo.”

Vẫn theo RFA, trong phiên sơ thẩm, ông Bang nói rằng, các tài khoản này đã bị hack và ông không sử dụng chúng từ lâu, tuy nhiên lập luận của ông không được chấp nhận. Luật sư bào chữa Trần Đình Dũng thì cho rằng, trong hồ sơ vụ án có một số tài liệu, chứng cứ điện tử còn thiếu, cho nên đề nghị trả lại hồ sơ, khi nào làm cho rõ ràng thì có phán quyết, nhưng đề nghị của luật sư cũng bị bác bỏ.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông, còn Nhóm công tác về bắt giữ tuỳ tiện của Liên Hiệp quốc cho rằng, việc bắt giữ ông vi phạm nhiều điều khoản của các công ước về nhân quyền mà Hà Nội đã phê chuẩn, RFA cho hay.

Nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên không cho tù nhân lương tâm được chăm sóc sức khỏe, kể cả các bệnh nan y và lây nhiễm, dẫn đến nhiều cái chết tức tưởi trong tù. Có thể kể đến những cái chết oan ức như: anh Huỳnh Anh Trí mất năm 2014 do nhiễm HIV trong tù; thầy giáo Đinh Đăng Định mất do ung thư dạ dày mà không được chăm sóc y tế cũng năm 2014; ông Phan Văn Thu mất năm 2022 do bệnh nặng và không được chăm sóc y tế… và rất nhiều cái chết đau đớn khác.

Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam bất lực trước sự hung hăng của Trung Quốc

>>> Thông điệp từ trong tù của Luật sư Đặng Đình Bách

>>> Đảng cần đánh giá lại chính sách đối với Tây Nguyên

>>> Người Tây Nguyên không quy phục người Kinh

Cần tôn trọng quyền lựa chọn của người dân tộc thiểu số