Link Video: https://youtu.be/SHz6-r6oQOU
Ngày 19/6, RFA loan tin, “Facebook đang giúp Việt Nam bóp nghẹt tự do ngôn luận”.
Theo đó, Facebook đang giúp Chính phủ Hà Nội bóp nghẹt tự do ngôn luận; sau khi cách đây chừng một thập niên từng góp phần giúp đem lại quyền này cho nhiều người dân tại Việt Nam.
RFA cho biết, Washington Post ngày 19/6 dẫn lời của hai người từng làm việc với Facebook trong thời kỳ đầu tại châu Á. Cả hai phát biểu trong điều kiện ẩn danh, vì sợ bị trả thù. Theo hai người này, lúc đó, dân chúng khắp nơi trên cả nước có thể thông tin liên lạc trực tiếp với nhau về những vấn đề thời sự. Người dùng đăng tải tình trạng lạm quyền của công an, thực tế lãng phí của Chính phủ, và chọc thủng hệ thống tuyên truyền của Đảng Cộng sản cầm quyền.
Một trong hai người cho rằng, điều đó có thể được cảm nhận như một sự giải phóng; và Facebook có phần tạo nên “cuộc cách mạng” đó.
Qua thời gian, đến nay Việt Nam trở thành thị trường lớn thứ bảy của Facebook trên toàn thế giới. Trước sự bùng nổ đó, Chính phủ Việt Nam ngày càng đòi hỏi Facebook phải có hạn chế nghiêm nhặt hơn.
Theo RFA, Washington Post cũng dẫn nguồn từ 4 người từng làm việc cho Hãng Meta, Công ty mẹ của Facebook, các nhóm nhân quyền, giới quan sát và những nhà vận động hành lang cho biết, Facebook phải nhượng bộ nhiều lần trước yêu cầu của Chính phủ toàn trị Hà Nội. Facebook thường xuyên kiểm duyệt giới bất đồng, và buộc loại trừ những người dùng bị Chính phủ xem là mối đe dọa cho chế độ, ra khỏi nền tảng mạng xã hội này.
Hãng Meta thông qua một danh sách nội bộ những quan chức Đảng Cộng sản không được chỉ trích trên Facebook. Danh sách này được giữ kín ngay cả trong nội bộ Meta và chưa hề được báo cáo trước đây. Danh sách còn có những hướng dẫn trong việc kiểm soát nội dung trên mạng Facebook; và những hướng dẫn này, phần lớn do các giới chức Việt Nam soạn thảo.
Bản danh sách đó là độc nhất vô nhị ở khu vực Đông Á, RFA cho hay.
Ngoài biện pháp đó, vẫn RFA cho hay, trong những tháng gần đây, Việt Nam còn đẩy mạnh những yêu cầu giới hạn nghiêm nhặt hơn nữa đối với Facebook. Hãng Meta được nói đang sẵn sàng xiết chặt kiểm soát thêm, theo yêu cầu của Chính phủ Hà Nội, do bị đe dọa, nếu không thực hiện thì phải lưu trữ dữ liệu tại các máy chủ ở Việt Nam. Biện pháp này gia tăng cảnh báo về vấn đề quyền riêng tư và an ninh thông tin cho người dùng.
Cũng ngày 19/6, Báo Người Việt có bài “Facebook tiếp tay Cộng sản Việt Nam siết chặt tự do thông tin của người dân”.
Theo Người Việt, Cộng sản Việt Nam liên tiếp làm các luật lệ mới, ngày càng ngặt nghèo hơn, để bỏ tù người dân, nhưng rất nhiều người vẫn không sợ. Ai có điện thoại thông minh hay máy computer vào Internet cũng đều có thể thấy tin tức, hình ảnh và nhiều khi kèm cả video clip các sự việc, từ đàn áp cưỡng chế đất, biểu tình chống Formosa đầu độc biển miền Trung, chống các Luật Đặc khu, Luật An Ninh Mạng…
Người Việt cho biết, Cộng sản Việt Nam nhiều lần bắn tiếng đòi Facebook nộp thuế lợi tức, cũng như đe dọa cấm hoạt động tại Việt Nam, nếu không thi hành các đòi hỏi kiểm duyệt nội dung.
Trên báo chí tại Việt Nam, nhiều lần Bộ Thông tin Truyền thông của chế độ khoe số lượng các trang mạng “độc hại” bị Facebook, YouTube khóa, xóa, tức bóp chết theo lệnh của nhà cầm quyền ngày mỗi nhiều hơn.
Những thông tin, bình luận “nhẹ tội” thì chỉ bị xóa với cáo buộc “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”, sau một số lần thì trang cá nhân có thể bị khóa một hay vài tháng, trừng phạt nặng hơn thì có thể khóa vĩnh viễn. Nhiều người đã từng khiếu nại với Facebook, nhưng ít khi được giải thích thỏa đáng. Hàng trăm người đã bị Cộng sản Việt Nam bỏ tù vì những bài viết hoặc chia sẻ thông tin “độc hại” trên mạng xã hội.
Vẫn theo Người Việt, không chỉ có Meta gỡ bỏ các thông tin nhạy cảm theo lệnh của Cộng sản Việt Nam. Từ năm 2019, Công ty Google, chủ nhân của YouTube, đã nhận được hơn 2,000 đòi hỏi từ Cộng sản Việt Nam, buộc phải gỡ bỏ nội dung, và họ đã thi hành hầu hết, theo dữ liệu của công ty. TikTok cho hay, họ cũng đã gỡ bỏ hoặc siết lại 300 bài đăng tải từ Việt Nam hồi năm ngoái, vì cho rằng vi phạm luật lệ nước này.
Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Cần xóa bỏ việc hình sự hóa ngôn luận
>>> Giải pháp nào cho Tây Nguyên?
Nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời đi nếu Việt Nam không giải quyết được việc thiếu điện