Link Video: https://youtu.be/b_T5Ge1Ww_I
Ngày 30/6, VOA Tiếng Việt có bài “Thủ tướng Chính: “Không cho phép thế lực nào chia rẽ Việt – Trung’”.
Theo đó, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính được cho là đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh “không cho phép bất kỳ thế lực nào chia rẽ Việt – Trung”, phát ngôn được các nhà quan sát cho là mang tính “xã giao” mà Việt Nam phải nói để làm yên lòng Bắc Kinh.
Tuy nhiên, VOA cho biết, câu nói này của ông Chính không xuất hiện trong các bản tường thuật của báo chí Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, ông Chính nói với ông Tập rằng, “Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”.
Về phần mình, ông Tập được Tân Hoa Xã dẫn lời ca ngợi mối quan hệ đồng chí giữa hai quốc gia Xã hội Chủ nghĩa với mức độ tin cậy cao, là đối tác cùng có lợi và là bạn bè biết rõ về nhau, và rằng “Trung Quốc hướng tới xây dựng cộng đồng có chung tương lai với Việt Nam”.
VOA dẫn lời nhà văn Phạm Viết Đào nói rằng, Hà Nội và Bắc Kinh ngoài miệng vẫn nói là “bạn bè tốt, đồng chí tốt”, nhưng bên trong, Trung Quốc vẫn tìm cách chơi xấu Việt Nam.
Ông Đào chỉ ra những lý do mà Hà Nội buộc phải gắn chặt với Trung Quốc, chẳng hạn như “mô hình nhà nước và thể chế chính trị Việt Nam là copy theo Trung Quốc”.
“Những tệ nạn về kinh tế xã hội, ở Trung Quốc diễn ra như thế nào thì ở Việt Nam y như thế,” ông nói. “Trung Quốc phải đả hổ diệt ruồi thì Việt Nam có đốt lò.”
Ông Đào cho biết, “dân trong nước thấy ngột ngạt lắm rồi nếu không thoát khỏi cái vòng kim cô Trung Quốc”.
“Có điều Đảng và Nhà nước thì không chịu, vì họ vướng nợ với Cộng sản Trung Quốc quá sâu nặng. Nếu họ dứt đi được, sẽ nguy hiểm cho cá nhân, gia đình và nhóm lợi ích của họ,” ông phân tích.
Do đó, nếu các lãnh đạo Việt Nam ngả theo phương Tây, thì “họ lại sợ Trung Quốc”, mặc dù họ muốn bắt tay với phương Tây để có thêm nguồn lực phát triển, theo lời ông Đào.
Đối với vấn đề Biển Đông, ông Đào cho rằng, các lãnh đạo Việt Nam “sợ mất mỏ dầu thì phải ra tay giữ”. “Nhưng khi Trung Quốc rút rồi, mơn trớn vài câu, hứa cho vài câu thì họ lại mê Trung Quốc trở lại,” ông nói.
VOA dẫn lời nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, nhận định rằng, chuyến đi của ông Chính sang Trung Quốc là “quan trọng hơn nhiều so với việc hàng không mẫu hạm Mỹ ghé thăm”.
Trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp như hiện nay, ông Phúc cho rằng, Việt Nam phải làm sao giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, còn việc theo ai “chỉ là đối sách tạm thời”.
“Việt Nam đang bị kẹt trong mối quan hệ chồng chéo giữa các siêu cường. Việt Nam phải tìm chỗ đứng để giữ hòa khí với các nước và quan trọng nhất là không để Biển Đông trở thành chiến trường cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn mà người thiệt hại đầu tiên là Việt Nam,” ông Phúc nói.
Các lãnh đạo Việt Nam biết rõ, “Trung Quốc không từ bỏ tham vọng trên Biển Đông”. “Thực tế ngoài thực địa, lực lượng chấp pháp Việt Nam đấu tranh rất dữ dội với các tàu Trung Quốc. Hành động này nói lên quyết tâm của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc hiện nay”, ông giải thích.
“Tương quan về ý thức hệ, chế độ chính trị cũng quyết định phần nào việc Việt Nam thân cận với Trung Quốc, dù bị o ép. Nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng, mà cái quan trọng hiện nay là, Việt Nam đang lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.”
Ông cho rằng, Việt Nam cần tự lực tự cường về kinh tế, nếu không, sẽ “rất khó” để không bị gắn chặt vào Trung Quốc.
“Thù địch với Trung Quốc là không có lợi cho Việt Nam,” ông nói và cho rằng, trước mắt Việt Nam không thể làm căng với Trung Quốc.
Ông Phúc cũng cho rằng, “Việt Nam vẫn cần phải giữ cân bằng giữa hai bên” và “Việt Nam có nhiều vấn đề trong kinh nghiệm bang giao với Mỹ”.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Quan hệ “mèo Tàu – chuột Việt”, “chuột” vào hang ổ “mèo” thì ngoại giao kiểu gì được?
>>> Thêm một người bị bắt vì Điều 331
>>> Lính tráng hổ báo mất lòng dân, ông Tô cho lính dựng “trò mèo”!
Vở diễn tồi của ngành công an