Link Video: https://youtu.be/kij9n5Jksfo
Ngày 7/7, BBC Tiếng Việt có bài “Tổng thống Puitn có linh cảm gì về nguy cơ “đại loạn” hay “smuta” ở Nga?”
Theo đó, trong diễn văn gửi đến cả nước sau cuộc binh biến của Yevgeny Prigozhin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về nguy cơ “huynh đệ tương tàn” và thời hỗn loạn (smuta) như năm 1917.
BBC giải thích “smuta” có nghĩa là hỗn loạn. Nhưng các báo châu Âu còn nói “smuta” qua lời Putin còn là tiếng chuông báo động, không phải về một vài sự kiện lộn xộn, mà về cả một “kỷ nguyên bóng tối” hay “rối ren” của Nga. Từ điển tiếng Trung gọi đây là thời “động loạn”.
BBC cho biết, có 2 giai đoạn rối ren đẫm máu nổi bật trong lịch sử Nga: thế kỷ 16 – 17 và hai cuộc cách mạng năm 1917.
BBC nhắc lại lịch sử:
Vào tháng 2/1917, Đế quốc Nga đang tham gia Thế Chiến I thì khủng hoảng nội bộ bùng nổ. Cách mạng tháng Hai buộc Sa hoàng Nga Nicholas II thoái vị. Một Chính phủ lâm thời ra đời do Hoàng thân Lvov lãnh đạo, không kiểm soát nổi tình hình.
Sau đó, Chính phủ lâm thời chấp nhận để phái Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa tham gia nội các. Phe Bolshekvik chủ trương rút Nga khỏi Thế Chiến và đề cao khẩu hiệu “thất bại là cách mạng“.
Tháng 9/1917, Nga tuyên bố trở thành nước cộng hòa, xóa bỏ 500 năm triều đại Romanov.
Tháng 10/1917, phe Bolshevik làm cuộc Cách mạng Tháng 10, dùng lính thủy và công nhân tấn công các trụ sở chính quyền. Sang tháng 12, Chính phủ Cách mạng ký với Đức và Áo – Hung, rút khỏi cuộc chiến.
Phe hữu theo Lavr Kornilov và cựu Tổng Tư lệnh quân Nga Mikhail Alekseyev tổ chức quân Bạch Vệ chống lại Hồng quân Nga do Lenin và Trotsky lãnh đạo. Nội chiến Nga bắt đầu.
Nhưng, BBC cho biết thêm, mâu thuẫn sâu sắc không chỉ có giữa hai phe Đỏ và Trắng, mà tồn tại ngay trong hàng ngũ Cách mạng.
Ngày 30/8/1918, nữ đảng viên Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Fannie Kaplan bắn trọng thương Lenin ở tân thủ đô Moscow. Kaplan bị xử tử ngày 4/9. Sức khoẻ của Lenin yếu dần và qua đời đầu năm 1924. Không còn Lenin, Stalin ra tay thanh trừng phái Trotsky.
Trong Nội chiến Nga 1918 – 1923, các cường quốc Âu – Mỹ và Nhật lợi dụng cơ hội đã can thiệp mạnh vào nội tình Nga. Nội chiến chấm dứt, làm chết ít nhất 10 triệu người, đa số là thường dân thuộc mọi dân tộc trong nước Nga rộng lớn.
BBC nhận xét, khác với ngộ nhận ở Việt Nam, Putin không hề thích phái Bolshevik của Lenin và cuộc Cách mạng Tháng 10. Từ khi làm Tổng thống, ông cho phục hồi tất cả các nhân vật thuộc phe Bạch Vệ cũ. Quan điểm Đại Nga bảo thủ của họ gần với nhãn quan của Putin hơn là “tình đồng chí vô sản” một thời.
Theo BBC, Vladimir Putin không phải người đầu tiên dùng từ “smuta” và cũng không phải ông nói ra lần đầu.
Trong một số lần tranh cử, Putin đã bóng gió nhắc tới việc nếu không tăng cường sức mạnh nhà nước – hiểu theo nghĩa để quyền lực tập trung vào tay của ông – thì Nga bị đe dọa rơi vào hỗn loạn.
Còn các nhân vật cực hữu, dân tộc chủ nghĩa của Nga nói đến “smuta” như điều tất yếu.
BBC cho rằng, xung khắc nội bộ Nga đã lớn tới mức để xảy ra cuộc binh biến của phe Wagner, đội quân đánh thuê kiêm công ty hậu cần quân đội, vốn được cho là đã xâm nhập sâu rộng vào bộ máy quân sự Nga.
Vào thời điểm hiện nay, như trang Telegraph ở Anh hôm 1/7 điểm ra vài gương mặt có “tiềm năng” chiếm quyền tại Nga, như: Tổng thống Cộng hòa Chechnya Ramzan Kadyrov; Tư lệnh Vệ binh Quốc gia Viktor Zolotov; Đại tướng Sergei Shoigu; lãnh đạo an ninh FSB Aleksandr Bortnikov…
Vẫn theo BBC, cảnh báo, hay linh cảm về thời “smuta” của Vladimir Putin được phương Tây hết sức lo ngại.
BBC dẫn trang Politico cho biết, Hoa Kỳ không hề muốn Putin sụp đổ và lãnh đạo CIA đã gọi điện ngay cho bên tương nhiệm của Nga, khẳng định Mỹ không liên quan gì đến vụ việc Prigozhin. Lý do là tình hình Nga cho thấy, “những kẻ như Prigozhin hay Kadyrov vốn luôn miệng nói về vũ khí hạt nhân mà lên thay thì còn nguy hiểm hơn“.
BBC dẫn quan điểm của nhà nghiên cứu Aleksandr Yanov từ thời Liên Xô, cho rằng, cứ 70 năm, Nga lại rơi vào một thời “smuta”.
Điểm đáng chú ý là, trong rất nhiều các thời kỳ bất ổn của Nga, yếu tố dân tộc phía Tây Nam (Ukraine, Ba Lan,…) luôn có vai trò quan trọng.
Các cuộc tấn công trong nội chiến thường từ phía Nam đến. Lần cuối cùng là chiến dịch của các binh đoàn Cossack sông Đông thuộc Lực lượng Vũ trang miền Nam Nga tiến về Moscow tháng 9/1918, tuy nhiên, chiến dịch này cuối cùng đã thất bại, dẫn tới thắng lợi cuối cùng của phe Đỏ.
BBC dẫn quan điểm của nhà kinh tế, triết gia Aleksandr Akhiezer, năm 2006 viết rằng, sự củng cố quyền lực của Putin báo hiệu Nga bước vào thời Trì Trệ lặp lại.
Theo ông, nước Nga, về cơ bản luôn có cơ chế quyền lực độc đoán, đôi khi bị hạ bệ bởi các cuộc vùng lên hỗn loạn, vô chính phủ, nhưng cải tổ để Tây Âu hóa đều bất thành.
BBC cũng dẫn nhà nghiên cứu Vladislav Zubov, nêu ra các đánh giá về sai lầm của ông Putin.
Zubov cho rằng, Putin lầm tưởng mình là Peter Đại đế, mà đúng ra, ông ta chỉ là một nhà lãnh đạo của tình thế, cố gắng cứu vãn tình hình Nga, một di sản Liên Xô tan rã.
Sự kiện Liên Xô sụp đổ vẫn để lại “dư âm tàn khốc” cho Nga trong hàng chục năm, và Putin khó vượt qua được các thách thức hiện nay.
Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Campuchia điều quân tới biên giới với Việt Nam
>>> Trung Quốc đang đi vào ngõ cụt
>>> Ông Thưởng vào Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương là tăng hay giảm quyền lực?
Người Việt đối mặt với lựa chọn chủ quyền hoặc sở thích cá nhân