Hiện nay ông Võ Văn Thưởng là người trẻ nhất trong Tứ Trụ, dù hoàn thành 2 nhiệm kỳ ở ghế Chủ tịch nước thì ông vẫn còn trẻ. Vậy liệu rằng, sau khi hết thời gian giữ chức Chủ tịch nước, liệu ông Thưởng có tiến lên được hay không? Và nếu tiến lên, thì ông Thưởng sẽ tiến lên ghế nào?
Bao nhiêu năm nay, chiếc ghế Chủ tịch nước được xem là chiếc ghế hữu danh vô thực, nó là ghế bị chê bai nhiều nhất trong Tứ Trụ. Ghế Chủ tịch Quốc hội cũng là ghế không có thực quyền, nhưng bù lại, nhiều người ngồi vào đó thì có triển vọng leo cao. Trước đây, ông Nông Đức Mạnh từ ghế Chủ tịch Quốc hội leo lên ghế Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng cũng tương tự, cũng từ ghế Chủ tịch Quốc hội lên Tổng Bí thư. Còn ghế Chủ tịch nước thì chưa thấy ai lên cao hơn, thường là về vườn sau khi rời chức vụ này.
Hồi đầu tháng 3, ông Võ Văn Thưởng và Tô Lâm vào “chung kết ngược”, nghĩa là hai người đấu nhau, ai thua sẽ “được” ngồi ghế Chủ tịch nước. Kết quả, ông Võ Văn Thưởng đã thua cuộc và bị buộc phải ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch nước chẳng có chút thực quyền gì này.
Về danh nghĩa, vị trí Chủ tịch nước được có chân trong Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an, 2 bộ quyết định sức mạnh chính trị cho những người nắm được nó. Sau hơn 3 tháng làm Chủ tịch nước, ngày 15/6 vừa qua, ông Võ Văn Thưởng mới được tham dự Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương lần đầu tiên, và được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Đảng ủy Công an Trung ương và Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Trong Đảng ủy Công an Trung ương thì ông Tô Lâm là Bí thư, ông Trần Quốc Tỏ là Phó Bí thư, còn các ông Nguyễn Phú Trọng, Võ Văn Thưởng, Phạm Minh Chính là ủy viên Thường vụ, cùng với các ông thứ trưởng Bộ Công an khác. Tuy về danh nghĩa là như thế, nhưng thực quyền lớn nhất trong Đảng ủy Công an là ông Nguyễn Phú Trọng, thứ nhì là ông Tô Lâm. Còn những người còn lại không ảnh hưởng gì nhiều. Về danh nghĩa, ông Võ Văn Thưởng và ông Nguyễn Phú Trọng đều là ủy viên thường vụ, nhưng thực quyền của 2 ông này thì khác nhau hoàn toàn. Nếu ví Bộ Công an là thanh kiếm của chế độ, thì ông Nguyễn Phú Trọng nắm được thanh kiếm, còn ông Võ Văn Thưởng chỉ là được “sờ” vào thanh kiếm ấy mà thôi.
Ngày mùng 3/7 vừa rồi, ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã chính thức tham gia Quân ủy Trung ương. Trong Quân ủy Trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu với chức Bí thư Quân ủy Trung ương, ông Phan Văn Giang là Phó bí thư, còn các ông như Võ Văn Thưởng và Phạm Minh Chính là ủy viên Thường vụ, cùng với ông Lương Cường Nguyễn Tân Cương và Võ Văn Minh.
Tuy ông Võ Văn Thưởng và ông Phạm Minh Chính đều là ủy viên Thường vụ trong Quân ủy Trung ương, nhưng về thực quyền, ông Phạm Minh Chính ngang ngửa với ông Nguyễn Phú Trọng, còn ông Võ Văn Thưởng gần như chẳng gây được ảnh hưởng gì nhiều lên cơ quan Đảng của Bộ Quốc phòng. Như vậy, nếu nói, Bộ Quốc phòng là thanh kiếm thứ hai của chế độ, thì ông Phạm Minh Chính và ông Nguyễn Phú trọng cùng giữ thanh kiếm này. Một lần nữa, ông Võ Văn Thưởng chỉ sờ được vào thanh kiếm thứ hai này, mà chẳng thể nào điều khiển được nó.
Trên danh nghĩa, Chủ tịch nước có mặt trong Đảng ủy Công an và Quân ủy Trung ương, trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội thì không được như vậy. Nhưng nếu chọn kế nhiệm, thì không ai chọn ghế Chủ tịch nước, mà chọn ghế Chủ tịch Quốc hội, vì nó có thực quyền hơn.
Vậy thì, rõ ràng ông Võ Văn Thưởng có hai tay được sờ vào hai thanh kiếm của chế độ, nhưng chẳng thể làm ăn gì được. Bởi thế, ghế Chủ tịch nước mới là ghế bị hắt hủi nhất trong Tứ Trụ. Ngồi vào đấy chỉ làm kiểng cho Đảng Cộng sản mà thôi.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)