Link Video: https://youtu.be/Fen961f305M
Báo BBC Tiếng Việt ngày 16/7 có bài viết phân tích về tính chính trị và tham nhũng trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.
Theo đó, BBC phỏng vấn nhiều chuyên gia nói rằng, vụ “Chuyến bay giải cứu” – là một vụ án nghiêm trọng liên quan đến tham nhũng tại Việt Nam.
Nhiều quan chức cấp cao thuộc nhiều bộ ngành khác nhau đã bị đưa ra xét xử, bao gồm cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ông Nguyễn Quang Linh.
“Vụ án này đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Bộ Ngoại giao Việt Nam và tạo áp lực sau hậu trường, trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14 vào năm 2026. Tuy nhiên, quyết định xét xử các quan chức cấp dưới cũng đồng thời nâng cao cơ hội minh bạch và giám sát trong Chính phủ”, theo lời Giáo sư Zachary Abuza, từ Đại học National War College (Mỹ), nói với BBC News Tiếng Việt.
Theo BBC, ban đầu, các chuyến bay giải cứu được triển khai bằng cách hành khách tự trả tiền vé, nhưng các chi phí khác trong quá trình cách ly do quân đội hỗ trợ. Tuy nhiên, sau đó, đã xuất hiện các chuyến bay “combo“, đòi hỏi hành khách phải trả toàn bộ các chi phí phát sinh.
Trong giai đoạn từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, đã có hơn 1.000 chuyến bay được cấp phép, đưa hơn 200.000 công dân về nước. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đề xuất 772 chuyến, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu và 372 chuyến bay combo.
Vụ án “Chuyến bay giải cứu” đã gây tranh cãi và bàn luận về tình trạng tham nhũng và việc chi trả để có được một suất trên chuyến bay về nước.
Các chuyên gia và nhà nghiên cứu chính trị nhấn mạnh trách nhiệm chính trị của các lãnh đạo, và sự cần thiết thực hiện các biện pháp kiểm soát và chế tài độc lập, để ngăn chặn tham nhũng. Minh bạch và công bằng trong quyền lực công cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tham nhũng, theo BBC.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giáo sư Zachary Abuza nói với BBC rằng, đây là một cơ quan được dùng như một công cụ để chống lại các đối thủ chính trị.
“Khi tham nhũng trở thành một đại dịch, thì công cuộc điều tra chống tham nhũng ở Việt Nam sẽ luôn luôn được biến thành một loại vũ khí, được dùng để chống lại đối thủ chính trị,” ông nói.
Nhà văn Trần Trung Đạo từ Pháp thì nhận định với BBC rằng:
“Việt Nam bị đặt trọn trong tay một nhóm người nắm mọi quyền hành mà không có những biện pháp kiểm soát và chế tài độc lập như tam quyền phân lập, tôn trọng quyền tự do phát biểu của người dân, tự do báo chí, tự do phản biện của các tổ chức xã hội dân sự thì chắc chắn đất nước đó sẽ còn xảy ra lạm quyền, tham nhũng.”
Ngoài ra, BBC cũng đề cập đến vấn đề tự do báo chí, đó là một khía cạnh quan trọng trong việc chống tham nhũng. Năm 2023, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) đã xếp hạng Việt Nam, tụt hạng gần đến “đội sổ” về tự do báo chí, đứng ở vị trí 178 trong tổng số 180 quốc gia trên thế giới, chỉ trên Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Theo Giáo sư Vũ Tường, giảng dạy tại Khoa Chính trị học, Đại học Oregon từ 2008, một trong những yếu tố then chốt giúp kiểm soát tốt chính quyền chính là cần đạt được sự minh bạch và quyền lực công phải được kiểm soát.
“Nhân loại đã nghĩ ra nhiều cơ chế kiểm soát, bao gồm đảng đối lập, bầu cử công bằng và tự do, tam quyền phân lập hay ít nhất toà án, tư pháp độc lập, tự do ngôn luận, báo chí, và hội họp, và kiểm toán độc lập.” ông Vũ Tường nói với BBC
Vụ án “Chuyến bay giải cứu” đã làm sáng tỏ những bất minh trong việc quản lý và triển khai các chuyến bay, và cần thiết áp dụng các biện pháp minh bạch và kiểm soát chính trị để ngăn chặn tham nhũng và nâng cao đáng kể chất lượng và hiệu quả của chính phủ.
Quang Minh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Vụ án khai thác khoáng sản “chui” ở Lào Cai
>>> Vì sao bị cáo là cựu quan chức phải che mặt?
>>> Phiên tòa không có bị hại?
>>> Số phận của Prigozhin ra sao sau cuộc bạo loạn?
Vụ AIC: Không xử lý hình sự nhiều cựu quan chức tại Quảng Ninh