Link Video: https://youtu.be/b3epAEmEaSc
Theo thông tin từ Đài Á Châu Tự do ngày 18/7, Bộ Thông Tin & Truyền Thông Việt Nam (Bộ TT&TT) đã bổ sung nhiều quy định nhằm quản lý hoạt động livestream trong một dự thảo Nghị định mới
Theo dự thảo Nghị định thay thế, chỉ các mạng xã hội đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử).
Cũng theo Bộ TT&TT, hiện nay trên các mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam xuất hiện tính năng “livestream”.
“Live stream” tức là phát hình, phát âm thanh trực tiếp từ một buổi nói chuyện của một cá nhân, một nhóm người hay truyền đi một biến cố thời sự khi nó đang xảy ra trên mạng xã hội nhất là từ khi có Facebook. Nhờ đó, người ta biết ngay câu chuyện hay sự việc mà không phải chờ đợi được nghe kể lại sau đó.
Theo tờ trình được Bộ TT&TT gửi Chính phủ, chỉ các mạng xã hội có giấy phép (tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ TT&TT (tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream).
Bộ này nói rằng, các Mạng Xã Hội tại Việt Nam đang tồn tại nhiều tin giả, tin xấu, tin độc, thông tin bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm tổ chức, cá nhân, tuyên truyền mê tín dị đoan, các nội dung vi phạm bản quyền… gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp và quyền lợi của người dùng mạng xã hội.
Do đó, Bộ TT&TT đã bổ sung một số quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng và đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Theo Dữ liệu từ Haravan- công ty công nghệ về thương mại điện tử, gần 60% đơn hàng online được đặt thông qua các kênh mạng xã hội bằng hình thức livestream. Theo dữ liệu này, kể từ khi ra mắt tính năng Livestream, Mạng xã hội TikTok đã giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nhanh hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ genZ và tạo được một cơn bão doanh số cho rất nhiều nhà kinh doanh online tại Việt Nam.
Ngoài việc buôn bán, RFA cho biết nhiều chủ tài khoản mạng xã hội cả trong và ngoài nước Việt Nam, lâu nay sử dụng hình thức phát video trực tuyến theo thời gian thực để bày tỏ quan điểm, trình bày những hoạt động thường nhật.
Nhiều nhà hoạt động, bloggers, giới bất đồng sử dụng công cụ này để thực hiện một cách ôn hòa quyền tự do biểu đạt, quyền tự do ngôn luận mà theo họ được Hiến pháp quy định; thế nhưng họ đã bị bắt rồi bị án tù với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước…” theo các điều gồm 117, 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Ông Lê Trọng Hùng ở Hà Nội, bút hiệu Hùng Gàn Lê, bị bắt ngày 29 Tháng Ba. Trước đó ba tuần lễ, ông Trần Quốc Khánh bị bắt ngày 10 Tháng Ba. Cả hai đều bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước” qua các buổi “live stream” trên Facebook.
Người bị bắt mới nhất vì “live stream” là nhà báo độc lập Lê Văn Dũng, bút danh Lê Dũng Vova, bị bắt ngày 30 Tháng Sáu sau một tháng lẩn trốn và bị truy nã. Ông cũng bị quy chụp cho tội “livestream” trên mạng xã hội những cuộc phỏng vấn hàng loạt dân oan khắp nơi đi khiếu kiện trong vô vọng dù họ các bằng chứng hiển nhiên là các quan chức chính quyền làm bậy, cướp đất, cướp tài sản, mồ hôi xương máu của dân.
Hồi tháng 6, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa ra một bộ “Quy tắc ứng xử” trên mạng xã hội, yêu cầu tất cả phải định danh danh tính khi “tham gia mạng xã hội” hầu để công an để dàng hơn trong việc tìm bắt những ai đưa thông tin mà họ cáo buộc là “xấu độc”. Nay thì chính quyền muốn siết thêm một mức nữa khi đòi hỏi phải có “giấy phép” mới được “live stream”
Quang Minh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Tù Nhân Lương Tâm Trần Huỳnh Duy Thức tiếp tục gửi đơn yêu cầu trả tự do cho ông.
>>> Tội ác lớn nhất của Đảng là gì?
>>> Làm sao để ngừng sản xuất ra củi?
>>> Tư duy thật sự của lãnh đạo
Toà xử như một vụ “mua bán” trong vụ “chuyến bay giải cứu”