Phạm Trung Kiên, nhân vật có thể móc cho “bục” bãi thối của Đảng!

Vụ án chuyến bay giải cứu là một vụ án được đưa ra xét xử vội vàng, dù đã có 540 ngày điều tra. Vụ án chỉ mới xét xử một phần tư thời gian, mà nó đã phơi ra một sự thật, đấy là, vẫn còn những thành phần cần phải moi ra, nhưng cơ quan điều tra lại cố ém. Việc cơ quan điều tra đổ hết tội của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lên đầu Thư ký của ông ta, là cách bao che quá lộ liễu. Nhân dân bây giờ chứ không phải nhân dân thời Cải cách Ruộng đất, mà có thể dễ dàng lừa được.

Nếu khui đến nơi đến chốn group chat này, thì sẽ có nhiều cảnh “phim hay” mà xem

Với trường hợp của Phạm Xuân Kiên, thì Viện Kiểm sát cần phải tấn công nhiều hơn nữa. Bởi đây là điều cần thiết để tuyên án đúng người đúng tội. Ẩn đằng sau Phạm Trung Kiên không phải chỉ có một mình ông Đỗ Xuân Tuyên, mà là cả một đường dây chạy án.

Tại sao đường dây chạy án Hoàng Văn Hưng – Nguyễn Anh Tuấn bị khui ra, mà đường dây chạy án của Đỗ Xuân Tuyên lại không bị khui, phải chăng đường dây này vướng phải nhân vật nào quá lớn, khiến các cơ quan điều tra không dám khui chăng?

Chưa có đất nước nào mà thị trường chạy án kinh khủng như Việt Nam, cứ nơi đâu có án, thì nơi đó có chạy án. Có thể nói, dưới chế độ Cộng sản thì việc thụ lý vụ án và chạy án là hai mặt của một đồng tiền. Mặt trước là án, mặt sau là chạy án. Chỉ những bản án đối với người dân thấp cổ bé họng thì mới không có chạy án, bởi những người bắt trộm con gà con vịt, hay ăn cắp ổ bánh mì, thì tiền đâu mà họ chạy án. Cho nên, cơ quan điều tra và tòa án cứ thẳng tay tròng án lên đầu họ. Chỉ có những người như ông Đặng Thanh Bình, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, mới được hưởng án treo, dù đã phá của nhà nước đến 15.000 tỷ đồng.

Cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát, tòa án, đều là những nơi có hoạt động chạy án. Luật sư ở Việt Nam thì cũng trở nên “thức thời” hơn với việc làm môi giới chạy án để kiếm chác. Cả một bộ máy tố tụng từ phía nhà nước cho đến phía người dân, đều cuốn theo thị trường chạy án béo bở này.

Ngày 18/7, Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế khai về group chat giữa lãnh đạo 5 bộ, về chuyến bay giải cứu. Phạm Trung Kiên xác nhận có nhận 42 tỷ đồng từ các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu, nhưng cho hay, không ép buộc họ. Lý do, lãnh đạo 5 bộ có group chat Viber, nên anh ta, với vai trò Thư ký, không thể “gây ảnh hưởng”.

Theo ông Kiên, tổ công tác 5 bộ có group chat Viber để trao đổi thông tin với nhau. Ví dụ, khi Bộ Ngoại giao có công văn gửi các bộ về việc cấp phép chuyến bay, bị cáo Tô Anh Dũng, khi đó là Thứ trưởng, hay cấp dưới là Đỗ Hoàng Tùng, sẽ báo lên group chat, xin ý kiến các chuyến bay, đề nghị sớm gửi lại ý kiến cho Bộ Ngoại giao.

Tổ công tác 5 bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông Vận tải. Tổ công tác này có thẩm quyền trong việc phê duyệt các chuyến bay giải cứu hình thức combo (người dân trả tiền vé máy bay, cách ly).

Trong group chat Viber này, thì hầu hết, các bộ đều cử những người cùng cấp bậc như Phạm Trung Kiên liên lạc với nhau. Ví dụ, Phạm Trung Kiên sẽ đưa lên những thông tin mà ông Đỗ Xuân Tuyên nắm. Nhưng còn các bộ khác thì sao?

Như vậy, nếu khui đến nơi đến chốn những nội dung trong cái group chat Viber này, thì rất có thể, sẽ còn dính đến nhiều nhân vật khủng nữa.

Vụ án này bị đưa ra xét xử vội vã, có lẽ, toàn bộ các ban ngành trong bộ máy tố tụng đã thỏa thuận với nhau là sẽ chỉ khui đến đây thôi. Mà đã chỉ khui đến một mức giới hạn, thì đấy cũng là một dấu hiệu của việc chạy án. Ở chế độ này, chạy án có mặt khắp nơi, nó điều khiển hầu hết mọi vụ án lớn.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://danviet.vn/thu-ky-thu-truong-bo-y-te-khai-ve-group-chat-giua-lanh-dao-5-bo-ve-chuyen-bay-giai-cuu-20230718113651112.htm