Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn không chỉ thực hiện những gói thầu dân sự với chính quyền các tỉnh thành trên cả nước, mà còn thực hiện các thương vụ nhập vũ khí cho Bộ Quốc phòng. Phe ông Tổng đánh vào AIC, nhưng chỉ cho phép báo chí nói về những hợp đồng dân sự của AIC với các chính quyền địa phương mà thôi. Còn mảng quân sự của AIC thì không cho báo chí chạm vào, vì nó liên quan đến nhiều bí mật quốc phòng.
Sẽ không ai biết về mảng quốc phòng của Công ty AIC, nếu không có báo chí nước ngoài lên tiếng. Tuy đã bị lộ, nhưng chính quyền Cộng sản vẫn không cho báo chí trong nước đả động gì tới.
Vậy câu hỏi đặt ra là, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn xâm nhập vào Bộ Quốc phòng khi nào? Theo như thông tin riêng chúng tôi nhận được, thì bà Nhàn xâm nhập vào Bộ Quốc phòng vào khoảng năm 2014, khi ông Phạm Ngọc Hùng lên nắm chức Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tình báo Quân đội. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2016, là thời gian ông Phùng Quang Thanh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, lúc này, mối quen biết của bà Nhàn chưa mạnh, và ông Phùng Quang Thanh cũng muốn những mối làm ăn lớn trong Bộ Quốc phòng rơi vào tay phe nhóm của ông.
Năm 2016, ông Phùng Quang Thanh phải rời ghế Bộ trưởng để ông Ngô Xuân Lịch lên kế nhiệm. Ông Ngô Xuân Lịch với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vốn là chỗ quen biết từ trước, cho nên, khi ông Lịch lên nắm chức Bộ trưởng, cộng với mối quan hệ giữa bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn với Tổng Cục trưởng Tổng Cục 2, nên bà Nhàn mới tính kế đưa AIC nhảy vào lĩnh vực nhập khẩu vũ khí cho Bộ Quốc phòng.
Được biết, nhận nhiệm vụ nhập khẩu vũ khí cho Bộ Quốc phòng từ trước đó có 2 công ty. Công ty thứ nhất là Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Vạn Xuân – VAXUCO (tên giao dịch tiếng Anh: General Import Export Van Xuan Corporation). Đây là một doanh nghiệp Nhà nước, trực thuộc Bộ Quốc phòng, có ngành nghề hoạt động chủ yếu là xuất nhập khẩu. Tại Việt Nam, VAXUCO xếp vị trí thứ 1 với tầm quan trọng về quân sự (xuất nhập khẩu vũ khí) và là công ty quan trọng nhất của Bộ Quốc phòng.
Công ty thứ nhì là Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng – GAET (tên tiếng Anh: Defence Economic Technical Industry Corporation), trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 3035/ QĐ- BQP ngày 23/8/2011. GAET hoạt động theo hình thức công ty mẹ – công ty con, trên cơ sở tổ chức lại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên Vật tư Công nghiệp quốc phòng. Đây là doanh nghiệp quốc phòng có chức năng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, như: xuất nhập khẩu, kinh doanh vật tư, thiết bị, dây chuyền công nghệ phục vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế; xuất nhập khẩu và kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, dịch vụ nổ mìn; đào tạo nghề và xuất nhập khẩu lao động; liên doanh sản xuất nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp quốc phòng và nhiều chức năng kinh doanh quan trọng khác.
Hai doanh nghiệp này có mối làm ăn với Nga. Tuy nhiên, khi Bộ Quốc phòng Việt Nam chuyển sang bắt tay với Israel và phương Tây, thì ông Ngô Xuân Lịch và ông Phạm Ngọc Hùng đã chặn đường hai doanh nghiệp này, đồng thời dọn đường cho AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Sau khi AIC nhảy vào, thì khi đó, nhóm lợi ích mới hình thành. Từ năm 2016 đến 2021, là giai đoạn AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn hoạt động rất mạnh.
Điều đáng nói là, khi AIC tham gia vào lĩnh vực nhập khẩu vũ khí, thì chính bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thực hiện vai trò kết nối trực tiếp với phía Mossad của Israel và các nhà thầu quân sự. Chính vì vai trò này mà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã trở thành người xỏ mũi những nhân vật trong Bộ Quốc phòng. Chính bà Nhàn đứng ra đàm phán hợp đồng và thỏa thuận khoản lại quả, khi hợp đồng được thực hiện, tiền lại quả được trả qua bàn tay của chính nữ chủ nhân Công ty AIC.
Nếu bắt được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, câu chuyện sẽ không dừng lại ở các mối quan hệ dân sự, mà nó còn liên quan đến các nhân vật rất lớn trong Bộ Quốc phòng. Đấy là lý do mà bà Nhàn được bảo vệ tốt nhất, so với các “cóc” đang trốn truy nã ở nước ngoài.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)