Link Video: https://youtu.be/77PirCJOhMQ
Theo thông tin phân tích từ một bài bình luận đăng trên RFA ngày 22/7, Trung Quốc và ASEAN vẫn sẽ chưa thể thống nhất về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông sớm.
Bài viết của tác giả Dương Tiến Thu.
Theo đó, bộ quy tắc ứng xử này đã được các nước ASEAN ấp ủ từ cuối những năm 1990. Khi có những căng thẳng trên Biển Đông bắt đầu bùng phát với xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam ở Gạc Ma năm 1988 và xung đột giữa Trung Quốc và Philippines trên bãi Vành Khăn năm 1995. Ý tưởng này của ASEAN, nhằm ngăn chặn những căng thẳng đang gia tăng ở biển Đông, không để biến thành những xung đột quân sự ở đây.
Tuy nhiên, cho đến năm 2002, ASEAN và Trung Quốc chỉ có thể ký kết Tuyên bố chung về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC). Văn bản này chỉ đơn thuần mang ý nghĩa như một “tuyên bố chính trị.” Điều đó cho thấy ASEAN đã không thể khiến Trung Quốc ký kết một văn bản mang tính ràng buộc như họ mong muốn.
Theo RFA, mới đây tại Jakarta ngày 13/7, Trưởng ban đối ngoại Trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc Vương Nghị cùng với các Ngoại trưởng của các nước ASEAN đã đồng ý cố gắng kết thúc việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong thời gian ba năm tới.
RFA dẫn lời các chuyên gia cho biết, tiến trình đàm phán COC đã không có bước tiến nào từ năm 2002 đến 2011.
Cho đến khi Philippines khởi kiện Trung Quốc tại tòa trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS vào tháng 1/2013, Bắc Kinh mới đột ngột dành sự quan tâm trở lại cho các cuộc đàm phán COC.
RFA dẫn lời bà Lê Thu Hường, nhà phân tích cấp cao làm việc tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nói “Trung Quốc đã sử dụng viễn cảnh đạt được COC như chiếc Chén Thánh để lôi kéo khu vực. Quá trình kéo dài đàm phán đã khiến các nước trong khu vực phân tâm, trong khi Bắc Kinh không ngừng củng cố các mục tiêu chiến lược của mình” .
Tác giả nhận định trong bài viết này rằng, tiến trình đàm phán COC bị kẹt bởi hai vấn đề lớn.
Thứ nhất, nhiều quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, muốn ASEAN phải xem COC là văn bản ràng buộc pháp lý, để kiềm chế Trung Quốc. Nếu Trung Quốc vi phạm, ASEAN có thể mang tranh chấp ra Toà án quốc tế. Thế nhưng, Trung Quốc lại không chấp nhận.
Thứ hai, trên thực địa, Trung Quốc vẫn luôn dùng chiến thuật vùng xám để ngăn chặn, đe doạ Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam ngay trên chính vùng EEZ của họ.
Hồi cuối tháng 6, Lực lượng vũ trang Philippines đã tố cáo Trung Quốc tập trung 48 tàu cá xâm phạm trái phép EEZ của Philippines.
Hồi tháng 5, Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu đoàn tàu Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp EEZ của họ phải rời đi. Nhóm tàu của Trung Quốc chỉ rời khỏi EEZ của Việt Nam sau khi đã quấy rối 28 ngày trên vùng biển của quốc gia ASEAN này.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng xuất hiện gần khu vực thăm dò khí đốt Kasawari của Petronas ngoài khơi Sarawak (Malaysia).
Tác giả bình luận rằng, do thái độ bất nhất của Trung Quốc nên các cuộc đàm phán COC đã không được tiến hành cho đến năm 2014. Trung Quốc cũng không có thực sự có thái độ nghiêm túc về COC cho tới sau khi Tòa Trọng tài ra Phán quyết vào năm 2016. Phán quyết khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với “các quyền lịch sử” bên trong “đường chín đoạn” của nước này vốn bao trùm 80% diện tích biển Đông là không hợp lệ.
Thất bại trước Phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, một mặt Trung Quốc đã từ chối công nhận Phán quyết, cho rằng Phán quyết chỉ là tờ giấy lộn.
Nhưng mặt khác, Trung Quốc lại muốn thể hiện rằng mình là một cường quốc có trách nhiệm, tuân thủ luật pháp quốc tế, cho nên Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy việc đàm phán COC, nhằm xoa dịu hình ảnh của mình trước cộng đồng thế giới, đồng thời, đổ lỗi cho Mỹ là kẻ đã gây ra căng thẳng tại đây.
Vào cuối năm 2018, Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Lý Khắc Cường đã kêu gọi hoàn tất việc ký kết COC vào năm 2021, với thời hạn ba năm. Cho đến bây giờ là 2023, Vương Nghị cũng đặt thời hạn trong 3 năm để kết thúc đàm phán COC. Nhưng, tác giả nhận định, với những thực tế và bất đồng như vậy, khả năng COC khó có bước tiến gì mới hơn trong ba năm tới.
Minh Vũ
>>> Ba quái kiệt trong vụ chuyến bay giải cứu
>>> Mỹ nhân cứu anh hùng và câu chuyện người đẹp “kẹp” quan chức
>>> “Suy đoán có tội” sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm
>>> Quan chức coi việc đi tù như “nghỉ dưỡng”
Ổ tham nhũng trong vụ án “chuyến bay giải cứu”