Việt Nam ngạo nghễ như AQ

Link Video: https://youtu.be/4tQEiigWBuY

Ngày 23/7, trên trang Facebook cá nhân của Lê Nguyễn có bài “Nghĩ về sự “ngạo nghễ’”.

Tác giả bài viết nhận định, nói đến sự ngạo nghễ trong lịch sử văn học cận đại, khó có ai qua nổi lão AQ của văn hào Lỗ Tấn. Bị chúng nắm tóc, đập đầu vào tường côm cốp, đau thấy ông bà tiên tổ, vậy mà sau 10 giây lấy lại bình tĩnh, lão vẫn vừa đi, vừa “ngạo nghễ” thốt lên rằng: Cuối cùng, ta vẫn thắng lợi, chúng đập đầu ta cũng như đập đầu ông cha chúng thôi!

Cần nhắc lại, AQ chính truyện là tác phẩm của nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn, được đăng tải lần đầu trên “Thần báo phó san” ở Bắc Kinh, trong khoảng thời gian từ 4/12/1921 đến 12/2/1922. Tác phẩm này được coi là một kiệt tác của văn học Trung Quốc hiện đại.

Tác phẩm kể về cuộc đời của AQ, một anh chàng bần nông ít học và không có nghề nghiệp ổn định. AQ nổi tiếng vì phương pháp “thắng lợi tinh thần”. Mỗi khi bị đánh, thì anh lại cứ nghĩ “chúng đang đánh bố của chúng” và có nhiều lý luận kiểu “điên khùng“. AQ hay bắt nạt kẻ kém may mắn hơn mình, nhưng lại sợ hãi trước những kẻ hơn mình về địa vị, quyền lực hoặc sức mạnh. Anh ta tự thuyết phục bản thân rằng, mình có “tinh thần cao cả” so với những kẻ áp bức mình, ngay trong khi anh ta phải chịu đựng sự bạo ngược và áp bức của chúng. Kết thúc tác phẩm, AQ bị đưa ra pháp trường vì một tội nhỏ, đây cũng là một hình ảnh sâu sắc và châm biếm về một xã hội bất công và cực đoan.

Trở lại với bài viết của tác giả Lê Nguyễn, tác giả cho rằng, đến nay, lão AQ chắc đã được Diêm vương hóa kiếp lâu lắm rồi, song đám hậu duệ của lão ở đâu bỗng xuất hiện nhung nhúc, vừa ngạo nghễ, vừa nổ như bom chùm. Phép thắng lợi tinh thần của lão được họ học tập và làm theo một cách đầy sáng tạo, và đẩy mạnh các sáng kiến lên tầm cao… ngạo nghễ! Họ làm những việc không ai trên thế giới này làm nổi, trên khắp các lĩnh vực.

Hình: Status trên Facebook Lê Nguyễn

Tác giả dẫn chứng:

Ẩm thực ư? Họ làm nên những chiếc bánh chưng mấy ngàn người ăn chưa hết, tổ chức Guinness toàn cầu phải vừa ký giấy chứng nhận, vừa run. Kiến trúc ư? Họ dư sức làm nên những tượng đài tiêu tốn hàng ngàn tỷ, tương đương với hàng chục ngàn ngôi nhà tình nghĩa dành cho những đồng bào đói rét, xây dựng những cổng chào ngạo nghễ, lớn gấp trăm lần những tấm bảng “Welcome” dựng trên lằn ranh liên bang của xứ sở nghèo khó Huê Kỳ.

Trong lĩnh vực ngoại giao ư? Tinh thần ngạo nghễ của quan chức ta khiến cho lân bang phải khiếp hãi. Tiếp đón họ ở sân bay, ta trải thảm đỏ ta đi, mấy lão đến đây, dù là Quốc vương hay Thủ tướng, cũng chỉ được khép nép bước một bên lề thảm đỏ cho ra điều chủ khách. Thật là quá ngạo nghễ!

Trong lĩnh vực thể thao, sự ngạo nghễ được thể hiện bằng những sáng kiến độc quyền, có cầu chứng, đó là đưa hình ảnh “lãnh tụ vĩ đại” ra sân bóng, cầu thủ của các đội bạn nhìn thấy, ai cũng kinh tâm táng đởm, tinh thần chiến đấu sa sút, có khi sút tung lưới… đội nhà.

Vừa rồi, tác giả mỉa mai, có những kẻ ghen tị với sáng kiến “ngạo nghễ” của họ, cấm đưa hình lãnh tụ vào sân, họ bất cần, chuyển sang chiến thuật mới. Đó là, dù cũng đá thua bươu đầu sứt trán như ai, song họ vẫn vui cười ngạo nghễ, đi mua mấy tấn muối xát lên mặt anh bạn láng giềng thua với tỉ số nặng nề hơn họ.

Trong trường hợp này, phép thắng lợi tinh thần của AQ được đưa lên một tầm cao vòi vọi, đó là, hễ thua ai thì cứ kiếm thằng thua nhiều hơn mà… muối mặt. Và như thế là, ta vẫn cứ… thắng, thắng cái anh thua nhiều hơn; chỉ những kẻ lạc hậu, chậm tiến mới chưa thấm nhuần cái tinh thần “ngạo nghễ” ấy!

Xét cho cùng, cho đến ngàn năm sau, tinh thần AQ sẽ không bao giờ tắt lịm ở “phương Đông rực rỡ” này. Bởi vì nó phản ánh của một thứ mặc cảm nhược tiểu, luôn đè nặng lên những tâm hồn chưa đủ lớn.

Hình: Sự “ngạo nghễ” của báo Văn hóa và Thể thao sau khi đội tuyển nữ Việt Nam thua đội Mỹ 0-3

Ý Nhi

>>> Campuchia: Hun Sen tuyên bố thắng cử.

>>> Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) khó thành hiện thực.

>>> Chùa Ba Vàng “choảng” nhau với Bộ Tài Chính.

>>> Đảng không dám thừa nhận tình hình kinh tế bi đát.

Chùa Ba Vàng mạnh mẽ lên tiếng vụ báo cáo tiền công đức