Ai rồi cũng thành quan tham

Link Video: https://youtu.be/VxCZd6NnudI

Ngày 29/7, RFA Tiếng Việt có bài bình luận của Thiên Hành, với tựa đề “Ai rồi cũng rứa”.

Tác giả nhắc lại việc ông Hoàng Văn Nghiên, khi vừa nhậm chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội vào năm 1994, đã đem nộp Kho bạc Nhà nước một số tiền rất lớn – tiền tỷ, là tiền các doanh nghiệp biếu ông ăn Tết.

Tác giả cho rằng, sự việc này đã khiến cả xã hội choáng váng. Dân đen vừa thèm thuồng, vừa khâm phục và hết lời khen ngợi ông Nghiên.

Nhưng, tác giả bình luận, ông Nghiên mới chỉ vừa lên ghế Chủ tịch Hà Nội. Còn mới, mà chức cũng chưa phải là cao, nhưng tiền biếu đã ghê răng thế rồi.
Thì các lãnh đạo cao hơn, to hơn, lâu hơn, sâu rễ bền gốc hơn, còn được người ta biếu xén bao nhiêu tỷ tỷ? Nghĩ đã thấy lạnh người!

Tác giả nhận xét, không ít lãnh đạo khác ghét ông Nghiên lắm. Vì cả bộ máy này có nguyên tắc của nó, ai cũng biết, ai cũng làm thế. Mình anh tỏ vẻ thanh liêm thì anh là con cừu đen, là đồ lạc lõng, cố chứng tỏ.

Đến cái Tết thứ hai, không biết doanh nghiệp có sợ tấm gương năm trước mà ngừng biếu tiền ông Nghiên hay không, nhưng từ ấy, hoàng anh thôi không hót nữa.

Tuy nhiên, sau đó, dù đã về hưu năm 2004, nhưng tận 10 năm sau, ông Nghiên mới đầy day dứt trả lại biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa (Hà Nội). Biệt thự này là nhà công vụ, được TP Hà Nội cấp cho ông Nghiên sử dụng trong thời gian giữ chức Chủ tịch Hà Nội. Nguyên tắc thì khi hết giữ chức, phải trả lại nhà công vụ cho Nhà nước, để nó được tiếp tục cấp cho người sau sử dụng. Nhưng, tác giả mỉa mai, ông Nghiên đã là con chim sợ cành cong, nên ông hãi nhất từ “trả lại”.

Tác giả dẫn trường hợp gần hơn là nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Năm ông Truyền mới nhậm chức, có doanh nghiệp ghé nhà thăm. Sau khi họ cáo từ ra về, ông Truyền thấy dưới ghế salon có một gói tiền, ông chạy theo người khách kia, nhất quyết trả lại.

Thế nhưng, tác giả cho biết, cũng như ông Nghiên, chỉ 5 năm sau, đến khi về hưu, ông Truyền đã bị kỷ luật Đảng, liên quan đến việc giữ hơi lâu một thửa đất và một ngôi nhà của Nhà nước, cùng với loằng ngoằng trong vài ngôi nhà, thửa đất khác.

Hình: Bài trên RFA

Tác giả tiếp tục dẫn vụ tham nhũng tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển khiến hơn chục tướng rụng sao. Các ông tướng, tá Cảnh sát Biển công nhiên bàn cách ăn chặn và tỷ lệ chia chác tiền mua vũ khí, khí tài, ngay trong giờ cơm trưa, tại phòng ăn trong trụ sở cơ quan.

Theo tác giả, nếu theo dõi hành vi của một quan chức lâu dài, từ khi chưa được giữ trọng trách, cho đến khi rớt đài vì tham nhũng, đều có biểu đồ tương tự. Điểm chung đáng lưu ý là, khi đã nhúng chàm thì họ nhúng rất quyết liệt.

Tác giả nêu nhận định, quan tham hành xử thật trơ tráo, vi phạm pháp luật công khai, nhưng không phải vì họ không sợ pháp luật. Mà vì họ tin pháp luật hiện tại không động được đến mình. Niềm tin đó được hình thành dần dần trong suốt quá trình làm việc, qua quan sát sự nghiệp tham nhũng của các tiền bối, và rút tỉa kinh nghiệm từ trải nghiệm của bản thân.

Một người trong sạch không thể tồn tại trong hệ thống lấy hối lộ làm nguyên lý hoạt động. Nếu ai đó muốn rời bỏ guồng máy này mà vẫn giữ tư cách trong sạch, nó sẽ nghiền nát họ. Họ sẽ gặp đủ thứ tai nạn nghề nghiệp vào những lúc bất ngờ nhất.

Tác giả chua chát cho rằng: Ai cho ăn, người đó là mẹ.

Tham nhũng trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo Việt Nam không phải là một bước chân sơ sẩy, trót lỡ. Nó là hệ quả của sự nghiệp chống tham nhũng bằng hô hào, kêu gọi liêm chính nhưng luôn luôn lờ đi thực tế là đảng viên cũng cần phải ăn. Nó chính là con đẻ của chế độ, nên gần như đã thành quy luật, quá trình thăng tiến của một lãnh đạo cũng chính là quá trình tha hóa của họ.

Tác giả cảm thán: Trong môi trường dầy đặc dưỡng chất cho tham nhũng ấy, ai rồi cũng rứa! Thành tham quan cả thôi!

Hình: 5 tướng Cảnh sát Biển lĩnh án vì tham ô

Hoàng Anh

>>> Điều 360 Bộ luật Hình sự và trách nhiệm của Đảng

>>> Kết thúc sơ thẩm vụ “chuyến bay giải cứu”, không xem xét quyền lợi người dân.

>>> Chùa Ba Vàng: Thu tiền công đức hơn 4,16 tỷ đồng, chi hết cho từ thiện

>>> Những bình luận xung quanh án chung thân của Hoàng Văn Hưng

Những lý do khiến giáo viên nghỉ việc