Link Video: https://youtu.be/n68630czKpE
Theo RFA ngày 2/8 cho biết, một Facebooker tại Sài Gòn thường đưa tin chỉ trích chế độ, bị an ninh đưa về đồn đánh đập.
Theo đó, Facebooker Lê Xuân Diệu, sống tại Sài Gòn bị công an đưa về đồn đánh đập và tra khảo trong 2 ngày liên tục, về các bài viết chỉ trích chế độ trên trang cá nhân.
Một người thân của ông Diệu, người này không đồng ý đưa tên tuổi công khai, cho hay các sĩ quan thuộc Cơ quan An ninh điều tra – Công an TPHCM áp giải ông về đồn để hỏi về hai tài khoản Facebook là Diệu Lê và Dẹo Lu được cho là của ông.
Người này nói rằng, lý do ông Diệu bị công an đưa lên trụ sở của Cơ quan An ninh điều tra thành phố vào sáng 31/7, là bởi vì ông Diệu đã từ chối đến đồn công an sau ba lần triệu tập, để làm việc về các bài viết trên mạng xã hội Facebook.
“Bốn công an ập vào nhà và áp giải ông đi ngay mà không có lệnh bắt. Công an không có khám xét nhà ông.” người này nói.
Trong ngày đầu tiên, ông Diệu bị giữ tại đồn công an cả ngày và chỉ được về nhà vào chiều tối muộn, với thân hình tiều tuỵ và khuôn mặt có nhiều vết bầm tím. Kết quả khám bệnh và chụp phim cho thấy ông bị đa chấn thương phần mềm và rạn xương sườn số 4.
Trong suốt quá trình tra khảo về các bài viết trên Facebook trong ngày 31/7, cứ mỗi 30 phút ông Diệu lại bị 7-8 công an xông vào đánh, người thân nói.
Đến ngày thứ hai, Ông Diệu cũng bị buộc lên đồn làm việc với nội dung tương tự, tuy nhiên ông không còn bị đánh như trong ngày đầu nữa.
Ông chỉ được về nhà vào chiều muộn, phía công an không đưa ra thêm cuộc hẹn nào.
Hiện điện thoại, các danh khoản mạng xã hội, và cả tài khoản ngân hàng của ông đã bị an ninh kiểm soát. RFA cho biết.
Người thân cho biết hiện giờ ông Diệu đau toàn thân, phải nằm ở nhà để dưỡng thương.
Giới hoạt động tại Sài Gòn nói, ông Diệu là một trong số những người tích cực thuộc giới bất đồng chính kiến ở Sài Gòn. Ông từng tham gia một số cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông.
Trên Facebook Diệu Lê và Dẹo Lu có nhiều bài viết chỉ trích chế độ về các vấn đề như vi phạm nhân quyền, tham nhũng mang tính hệ thống, quản lý kinh tế yếu kém, ô nhiễm môi trường ở khắp nơi, và chủ quyền bị vi phạm ở Biển Đông…
Nhiều lãnh đạo trong đó có cả Hồ Chí Minh, người sáng lập ra chế độ, cũng bị ám chỉ trong nhiều bài viết.
Cũng vào thời gian này, ngày 31/7, ba nhà hoạt động người Khmer, Danh Minh Quang ở Sóc Trăng cùng Thạch Cương và Tô Hoàng Chương ở Trà Vinh bị bắt vì cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” vì các hoạt động đòi quyền của người bản địa.
Từ đầu tháng 7 đến nay, lực lượng an ninh Việt Nam tăng cường đàp áp trực tuyến. Hai nhà hoạt động Phan Tất Thành và Dương Tuấn Ngọc mới đây bị bắt và khởi tố với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” sau nhiều ngày bị công an tra khảo. Ông Thành được cho là cựu admin của trang Nhật Ký Yêu Nước còn ông Ngọc có nhiều bài viết và video chỉ trích chế độ và lãnh tụ Hồ Chí Minh trên Facebook và Youtube.
RFA thống kê cho biết từ đầu năm tới nay, ít nhất 12 người đã bị bắt và khởi tố và bảy người đã bị kết án tù từ năm năm đến tám năm tù giam vì một trong hai tội danh trên, theo thống kê của RFA.
Việt Nam được nhắc đến trong báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, được công bố vào sáng ngày 20/3/2023, là một nhà nước độc tài. Báo cáo này cũng nói thêm rằng các nhà hoạt động cho biết cán bộ công an đã hành hung, tra tấn các tù nhân chính trị để lấy lời khai hoặc buộc họ phải nhận tội. Các nhóm giám sát nhân quyền cũng đưa ra nhiều báo cáo về việc công an dùng vũ lực trong khi thi hành công vụ và các điều tra viên bị cáo buộc tra tấn những người bị giam giữ.
Minh Vũ
>>> Người Philippines có những hành động chống Việt Nam
>>> Khái niệm “tiền công đức” là gì?
>>> “Ấn Độ – Thái Bình Dương” – một thực thể địa chính trị mới
>>> Câu chuyện kiểm duyệt nghệ thuật tại Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam – Campuchia có được cải thiện dưới thời ông Hun Manet?