Link Video: https://youtu.be/iBDkKOhCEfk
Ngày 7/8, một tờ báo quốc tế tiếng Việt có một bài bình luận về việc thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng của tác giả Diễm Thi.
Ngày 12/6/2008, trong phiên sơ thẩm, Tòa án Hải Phòng đã tuyên Nguyễn Văn Chưởng tử hình về tội giết người dựa vào lời nhận tội của ông Chưởng trong quá trình điều tra.
Tại phiên sơ thẩm, ông Chưởng phản cung, và khai rằng, việc ông nhận tội ở cơ quan điều tra là do bị ép cung, bị đánh đập. Tuy nhiên, từ sơ thẩm đến phúc thẩm, rồi giám đốc thẩm, tất cả các phiên tòa đều vẫn kết án tử cho Nguyễn Văn Chưởng.
Bài báo dẫn lời Luật sư Lê Văn Hòa, người hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh, kêu oan cho con là tử tù Nguyễn Văn Chưởng, nói rằng:
“Nếu vẫn thi hành án tử hình với Nguyễn Văn Chưởng, đầu tiên là mất mát của tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Nhưng tôi cho rằng cái mất mát lớn hơn, nghiêm trọng hơn nữa là cái uy tín của các cơ quan tư pháp; uy tín của Đảng và Nhà nước. Niềm tin của người dân, họ sẽ nghĩ sao?”
Bài báo cho biết, Luật sư Lê Văn Hòa là nguyên Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương, trong đó có vụ án Nguyễn Văn Chưởng. Mấy ngày qua, chính Luật sư Hòa đã liên tục kêu gọi dừng thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng trên trang Facebook của mình. Ông hy vọng và có niềm tin nội tâm là, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có sự chỉ đạo để Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng tạm dừng việc thi hành án đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng.
Tác giả bài báo dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người từng tham gia bào chữa cho hàng chục người bất đồng chính kiến ở Việt Nam trong nhiều năm qua, cho rằng, sở dĩ trật tự xã hội thiết lập và duy trì được là nhờ có pháp luật. Ông dẫn câu cách ngôn nổi tiếng của các luật gia La Mã xưa: “Ở đâu có xã hội, ở đó có pháp luật”. Có nghĩa rằng, pháp luật sinh ra là để bảo vệ xã hội, và quan trọng nhất là bảo vệ con người, nếu một bị cáo có dấu hiệu oan sai mà không cứu được họ, thì hệ thống pháp luật đó vứt đi.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói:
“Nếu Nguyễn Văn Chưởng bị thi hành án tử hình, nó đưa tới cái hệ lụy rằng, tất cả những án sau này được chỉ ra có oan sai thì họ sẽ không xem xét lại nữa. Và như thế thì rất nguy hiểm cho những bị cáo “tình ngay lý gian”. Họ không thể biện hộ và xã hội không thể bảo vệ họ, khi có những vị đại diện pháp luật chỉ vị pháp luật mà không vị con người.”
“Trong một nền tư pháp không độc lập thì dường như những án mà thẩm phán tuyên đã được ai đó tuyên trước và họ chỉ việc giữ lại mức án đó mà thôi.”
Bài báo cũng dẫn thông cáo báo chí của Tổ chức Ân Xá Quốc Tế hôm 7/8, kêu gọi Chính phủ Việt Nam ngưng ngay việc thi hành án tử hình đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng, vì những quan ngại liên quan đến việc tra tấn bức cung đối với tử tù này.
Thông cáo viết:
“Giới chức Việt Nam cần ngay lập tức bỏ các kế hoạch thi hành án đối với Nguyễn Văn Chưởng. Vụ án của ông ngay từ đầu đã có vấn đề bởi những cáo buộc gây thắc mắc, bao gồm việc ông bị đánh đập, bị treo ngược người khi hỏi cung để ép nhận tội. Những cáo buộc này là nghiêm trọng, phủ bóng tối lên việc kết án và đòi hỏi phải có một điều tra độc lập, công bằng. Nếu các giới chức Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch tử hình, thì họ đã tước đi mạng sống của Nguyễn Văn Chưởng một cách tùy tiện.”
Theo bài báo, đã 16 năm kể từ bị kết án, tử tù Nguyễn Văn Chưởng và gia đình đã có nhiều đơn kêu oan, đề nghị các cấp xem xét lại bản án.
Theo một số chuyên gia, khi chưa đủ căn cứ vững chắc thì không thể kết tội giết người và tuyên án tử hình ông Chưởng được. Người hoàn toàn có thẩm quyền ân xá, giảm án cho Nguyễn Văn Chưởng, là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Minh Vũ – thoibao.de
>>> Chuyện “bảo hiến” và án oan sai
>>> Công luận nói gì về vụ án Nguyễn Văn Chưởng ?