Ông Tô ơi! Công an Nhân dân mà sao cứ nhằm dân mà thụi?

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tháng trước, Bộ Công an cho dàn dựng truyền thông, xây dựng hình ảnh những công an viên tới tận nhà đón học sinh đi thi. Những hình ảnh dàn dựng ấy bị người dân dùng điện thoại di động ghi lại toàn cảnh. Không chỉ ở kỳ thi năm nay, mà năm nào cũng thế, Bộ Công an cho dựng lên những vở kịch rởm, cứ lặp đi lặp lại mãi một kịch bản.

Càng dựng kịch, càng chứng tỏ, hình ảnh của người công an đã quá bệ rạc trong mắt người dân. Dù cho có dàn dựng như thế nào, thì cũng không thể xóa được nỗi ám ảnh, khi chỉ trong 3 năm, công an đã giết chết 226 người trong lúc tạm giam. Con số này nói lên tất cả, những người công an được gắn với chữ “Nhân Dân” ấy, họ có vì dân hay không thì biết liền.

Công an Nhân dân nhằm vào dân mà thụi

Không ai thấm thía sự tàn ác và khốn nạn của công an như dân oan Văn Giang, Dương Nội, Thủ Thiêm, Đồng Tâm, Vườn Rau Lộc Hưng vv… Một khi họ nhận nhiệm vụ, cấp trên bảo họ phải đi cướp đất thì họ ra tay rất tàn bạo, bất chấp mọi thủ đoạn.

Mấy ngày qua, mạng xã hội dậy sóng với đoạn clip ghi lại cảnh một người công an đấm đá tới tấp một người đàn ông. Theo nội dung trong clip, một số công an, bảo vệ dân phố, yêu cầu kéo xe ba gác đậu ở đường về xử phạt. Sau đó, một người đàn ông nhận là xe của mình và cho biết xe bị hư, đang dừng để chờ sửa. Người đàn ông cho rằng, xe của mình không vi phạm và yêu cầu lập biên bản. Tiếp đó, người này ngồi lên xe để giữ xe lại, và thế là, anh bị viên cảnh sát tấn công dã man.

Đây là hình ảnh tiêu biểu về lực lượng được gọi là “Công an Nhân dân”. Họ đối xử với dân như kẻ thù, chứ không hề xem như là đối tượng mà họ bảo vệ.

Đã làm công an, là người chấp pháp, thì phải tuân thủ luật pháp. Nếu dân sai, thì công an cương quyết thực thi nhiệm vụ, nếu cần, có thể gọi lực lượng hỗ trợ. Nhưng công an không có quyền tấn công dân cho dù dân có sai, ngoại trừ trường hợp bị tấn công bằng hung khí. Hành động của người công an trong clip, không phải là thi hành nhiệm vụ, mà thực sự là hành động của một kẻ côn đồ nguy hiểm.

Hình ảnh cảnh sát trật tự và cảnh sát giao thông đánh học sinh vỡ nón bảo hiểm làm dậy sóng mạng xã hội một thời

Hồi tháng 9/2022, mạng xã hội cũng dậy sóng với clip dài hơn 5 phút, ghi lại hình ảnh 1 cảnh sát giao thông và 1 cảnh sát trật tự, đấm, đá liên tục vào bụng, ngực 1 thiếu niên chạy xe mô tô. Thậm chí, 2 công an này còn dùng dùi cui, nón bảo hiểm đánh rất mạnh vào đầu, lưng, khiến em thiếu niên này liên tục ôm đầu chịu đựng, còn người bạn đi cùng chỉ biết lùi ra xa trong sợ hãi. Lát sau, 2 cảnh sát giao thông khác chạy môtô đến, một trong 2 người này tiếp tục đánh thiếu niên lúc nãy.

Đấy là những hình ảnh thật nhất về cái gọi là “Công an Nhân dân”. Chính vì cách hành xử này mà họ phải dựng lên những hình ảnh giúp dân, để tô trét lên cái mặt nạ “vì dân phục vụ” của họ. Có thể nói, bản chất của công an Cộng sản, bây giờ người dân đã rõ. Dù chính quyền Cộng sản cố bưng bít thông tin về cách hành xử phản dân của công an, nhưng cũng không thể bưng bít hết, vì nó quá nhiều rồi.

Ngày 7/8 vừa qua, Công an Lâm Đồng phát động phong trào thi đua học tập tấm gương 3 cán bộ công an đã “anh dũng hy sinh” trong khi làm nhiệm vụ. Thực chất, đó là 3 công an chết do vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc. Nhiều người đặt câu hỏi rằng, học tập 3 cảnh sát giao thông này là học điều gì? Học họ cách chọn chỗ đường đèo nào có nguy cơ bị sạt lở (tức là đoạn đèo bị cạo trọc cây xanh), để ngồi đó chờ cho đất lở chôn vùi xác luôn hay sao?

Công an Lâm Đồng đã phát động phong trào học tập một cách hết sức buồn cười. Có người nói, công an Cộng sản giờ đây chẳng còn chút hình ảnh tốt nào trong lòng dân nữa. Họ đã đói khát sự thừa nhận của nhân dân, nên họ mới vơ đại hình ảnh 3 cảnh sát giao thông chết vì xui xẻo để học tập. Lực lượng công an của Tô Lâm thật thảm hại. Nếu công an mà cứ thấy dân là xem như bao cát tập võ, thì dù có tạo ra bao nhiêu mặt nạ cũng sẽ rụng hết mà thôi. Thưa ông Tô Lâm.

Thu Phương (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://tuoitre.vn/xac-minh-clip-nguoi-mac-sac-phuc-cong-an-xung-may-tao-hanh-hung-nguoi-dan-20230809104914602.htm