Link Video: https://youtu.be/yC-UDxJTTbk
Ngày 17/8, một bản tin của một trang tin quốc tế tiếng Việt cho hay, tàu hải cảnh của Trung Quốc tiếp tục xuất hiện ở Bãi Tư Chính của Việt Nam.
Theo đó, tàu hải cảnh của Trung Quốc mang số hiệu 5403, vừa xuất hiện trong khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam vào sáng ngày 17/8, gần các lô dầu khí mà Việt Nam đang tiến hành thăm dò và khai thác.
Bản tin cho biết, chuyên gia Raymond Powell – Trưởng Dự án Myoushu, Trung tâm Gordian Knot Center for National Security Innovation, Đại học Stanford, trích dẫn các hình ảnh theo dõi tàu biển và đưa thông tin này trên Twitter vào cùng ngày.
Theo chuyên gia Raymond Powell, đây cũng chính là tàu hải cảnh đã xuất hiện ở vùng tài phán của Việt Nam vào các ngày 27 – 28/7 và 8 – 9/8 vừa qua.
Lần này, tàu Kiểm ngư 270 của Việt Nam đang theo sát chiếc tàu hải cảnh của Trung Quốc, theo thông tin và hình ảnh được ông Raymond Powell đưa trên Twitter.
Bản tin cho biết thêm, trong các tháng vừa qua, Trung Quốc liên tục điều các tàu hải cảnh, khảo sát và dân quân biển, vào vùng biển của Việt Nam.
Hồi đầu tháng 7, Trung Quốc đã điều tàu hải cảnh lớn nhất thế giới là CCG 5901 vào vùng biển của Việt Nam, và tiến gần tới các lô dầu khí của Việt Nam ở phía Nam.
Hồi tháng 5 vừa qua, Trung Quốc cũng điều tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng đoàn tàu hộ tống, gồm hải cảnh và dân quân biển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đi lại trong vùng nước này suốt 28 ngày.
Đội tàu này chỉ rời vùng biển Việt Nam vào hồi đầu tháng 6, vào khi giới chức ngoại giao cấp cao Mỹ và Trung Quốc có các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh.
Cũng theo bản tin này, liên quan đến việc tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 có mặt trong vùng biển Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu về nước, nhưng Bắc Kinh phớt lờ yêu cầu này, đồng thời khẳng định, đội tàu của mình hoạt động hợp pháp trong vùng nước thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Điều khôi hài là, trong khi liên tục gia tăng gây hấn trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc lại vỗ về giới lãnh đạo Việt Nam, rằng cần cùng nhau “giữ vững lý tưởng Cộng sản”.
Là láng giềng và có cùng hệ tư tưởng, “hai bên nên chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của mối quan hệ ở tầm cao mới“, và “chống lại sự can thiệp mang tính khiêu khích của các thế lực nước ngoài, duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông và trong khu vực“, ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, nói với Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang hôm 16/8.
Lời dụ dỗ của ông Vương Nghị khiến người ta liên tưởng đến cách hành xử “vừa đấm vừa xoa”, vừa xông vào nhà người khác cướp bóc, vừa vuốt ve “hòa bình hữu nghị”.
Một nguồn tin quốc tế khác cho hay, trong vài tuần qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự trên đảo Tri Tôn – hòn đảo cực tây trong quần đảo Hoàng Sa chiến lược của Biển Đông và là hòn đảo gần Việt Nam nhất. Có vẻ như, một đường băng ngắn và hẹp, dài khoảng 0,6 km, rộng khoảng 0,01 km, đã được xây dựng trên đảo này. Đường băng này có thể dùng cho các cuộc hạ cánh và cất cánh ngắn của máy bay phản lực cánh quạt và máy bay hạng nhẹ, và có thể nó sẽ còn tiếp tục được mở rộng thêm.
Ngoài đường băng, còn có một nhà máy xi măng, cũng chỉ vừa mới xuất hiện vào tháng trước.
Trước đây, trên đảo này chỉ có một trạm quan sát với hai mái vòm và một số lá cờ của Trung Quốc. Hòn đảo này trước đây được dùng như một bến cảng nhỏ và sân bay cho trực thăng.
Là một nhóm khoảng 30 đảo và hơn 100 rặng san hô, bãi ngầm, và các thực thể khác, quần đảo Hoàng Sa là nơi Trung Quốc tập trung tiến hành quân sự hóa trong các năm gần đây. Trung Quốc cũng đã cho mở rộng quy mô và phạm vi của các công trình ở Hoàng Sa, nhằm tăng cường năng lực và sự hiện diện bao trùm của họ trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước khác trong khu vực.
Minh Vũ
>>> Có bao nhiêu công an là tội phạm?
>>> Trung Quốc dụ dỗ Việt Nam cùng duy trì lý tưởng Cộng sản
>>> Bong bóng VFS vỡ chỉ sau một ngày
>>> Liệu có còn tia hy vọng nào cho Nguyễn Văn Chưởng?
Cổ phiếu VFS có giá cao hơn 98% so với giá trị thực