Link Youtube: https://youtu.be/HmL9CHOuI0A
Ngày 17/8, một tờ báo quốc tế tiếng Việt có bài bình luận về đường băng mới của Trung Quốc trên đảo Tri Tôn.
Bài báo cho biết, theo hình ảnh vệ tinh, một công trình xây dựng có thể là đường băng cho máy bay, sắp được hoàn thành trên đảo Tri Tôn, nằm ở cực tây của quần đảo Hoàng Sa, gần Việt Nam. Ước tính, đường băng này dài khoảng 600 mét và rộng khoảng 14 mét.
Trước đó, nơi này đã tồn tại một bãi đáp trực thăng gần một đầu đường băng đang xây dựng. Ngoài ra, trên đảo này đã có có sẵn các thiết bị quân sự như ra đa, trạm đóng quân, bến cảng. Hiện nay, dường như cùng với đường băng mới, nhiều thiết bị chưa được xác minh cụ thể cũng được lắp đặt thêm ở phía đông hòn đảo.
Bài báo dẫn ý kiến cho rằng, có lẽ không phải là một đường băng. Nó dường như là một đường gờ, và nếu nó là đường băng, thì hầu hết các loại máy bay lớn khó có thể sử dụng, vì quá ngắn và quá nhỏ.
Tuy nhiên, bài báo cho hay, những chuyên gia khác như ông Raymond Powell, Đại học Stanford, và ông Hoàng Việt, chuyên gia về luật quốc tế và các tranh chấp Biển Đông tại trường Đại học Luật Tp. HCM, thì cho rằng, nó là đường băng và đường băng này sẽ có tác động đáng kể với Việt Nam.
Ông Raymond Powell cho rằng, kích thước rõ ràng của đường băng (khoảng 600m) không đủ dài, để Trung Quốc triển khai loại máy bay chiến đấu đang đặt ở đảo Phú Lâm xa hơn về phía đông. Nhưng nó có thể đóng vai trò là nơi triển khai các máy bay tuần tra (có người lái và không người lái), có thể bay trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
“Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho khả năng của Bắc Kinh trong việc thu thập thông tin tình báo và khẳng định quyền tài phán của mình đối với các khu vực này. Với căn cứ không quân gần đó tại đảo Phú Lâm đã được trang bị và hoạt động đầy đủ, việc cải tạo đất để xây dựng sân bay ở đảo Tri Tôn đến mức độ Trung Quốc có thể triển khai máy bay chiến đấu, rõ ràng sẽ là hành động rất khiêu khích”, ông Powell xác nhận.
Ông Powell phân tích: “Một sân bay dài 600m, đủ dài để đặt các máy bay không người lái cỡ trung bình, giúp Trung Quốc có thể tuần tra khu vực tranh chấp ở phía đông Đà Nẵng. Máy bay tuần tra có người lái nhỏ cũng là một lựa chọn”.
Như vậy, theo bài báo, tuy đường băng mới ở Tri Tôn không đủ dài, nhưng nó vẫn giúp Trung Quốc nâng cao sức mạnh trong khu vực, trước hết là nâng cao năng lực tuần tra trên vùng trời của khu vực, giúp Trung Quốc có thêm sức mạnh khẳng định chủ quyền.
Ông Powell cũng chỉ ra là, Trung Quốc vốn đã có năng lực tuần tra trên biển lớn hơn đáng kể so với Việt Nam. Nếu Trung Quốc quyết định đặt máy bay tuần tra thường trực tại đảo Tri Tôn, thì Việt Nam sẽ khó có thể sánh được với họ về khả năng triển khai máy bay hiện diện một cách tương đương trên biển.
Bài báo cũng dẫn ý kiến của ông Hoàng Việt, cho rằng:
Nếu kiểm soát được cả hai quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa, thì có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông rộng lớn, cùng các tuyến đường hàng hải đi qua nó. Năng lực tên lửa của Trung Quốc đã bao phủ chuỗi đảo thứ nhất (đảo Kyushu và Okinawa ở Nhật Bản, đảo Luzon ở Philippines). Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, muốn khống chế chuỗi đảo thứ nhất này về phía Biển Đông và Ấn Độ Dương thì vẫn nắm cửa ra của nó. Và đó là Hoàng Sa.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng, mục tiêu của Trung Quốc có thể đang nhắm tới khi đi nước cờ này là, muốn tạo “cơ sở pháp lý” để bao biện cho yêu sách biển của họ. Để làm điều đó, họ cần bồi đắp đảo Tri Tôn thành một đảo lớn. Năm 2014, khi đặt giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, họ lập luận rằng, vị trí giàn khoan nằm trong vùng biển thuộc Tri Tôn. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy, họ có nhu cầu mở rộng hòn đảo này.
Ý Nhi – thoibao.de
>>> Cần cẩn trọng với những khoản vay từ Trung Quốc
>>> VinFast được định giá “hào nhoáng” trong khi đang phải chịu nhiều áp lực
>>> Vụ Việt Á: Chưa xét xử mà Đảng đã tính chuyện “tha, miễn tội”
>>> Bảy tổ chức XHDS độc lập, đề nghị huỷ việc “tách nhập” các địa phương
“Tài năng” của Phạm Nhật Vượng