Những kẻ háo danh còn tệ hơn những kẻ tham nhũng

Link Youtube: https://youtu.be/SfcXTFa49Nk

Ngày 21/8, trên trang Facebook cá nhân của nhà báo Trương Huy San có bài “Tệ hơn tham nhũng”.

Theo nhà báo, xỉ vả những kẻ chia chác tiền bạc khi họ đã bị còng tay là rất dễ. Họ chưa chắc đã xấu hơn những kẻ háo danh, coi chống dịch như một cơ hội đánh bóng cho mình bộ cánh.

Nhà báo nhận xét, đi cùng những tuyên bố vừa ngạo mạn, vừa thiếu hiểu biết về COVID-19, sau khi thắng trong một vài “trận giả”, là những chính sách vừa phản lại các nguyên tắc chống dịch [5K] vừa thiếu cơ sở pháp lý và đạo lý. Như chúng ta thấy, những quyết sách ấy đã vỡ trận ngay lập tức khi dịch thật tràn vào.

Vụ Việt Á đã không chỉ giật tung mặt nạ “mục tiêu kép”. Không có chuyện tự lực sản xuất kittest, tự lực vaccine. Không những không có cái “cột điện” nào chạy sang tránh dịch ở Việt Nam, mà nhiều người trong nước và người Việt tha hương còn trở thành nạn nhân của các chủ trương chống dịch.

Nhà báo bình luận, chúng ta chưa biết những người lãnh đạo Bộ Y tế có chia chác trong chủ trương “xét nghiệm đại trà” hay không. Nhưng chúng ta biết, cách tổ chức chống dịch ấy, không chỉ vi phạm những quyền căn bản của người dân, mà còn làm tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo nhà báo, các quyết sách thiếu hiểu biết, không chỉ tạo ra các khủng hoảng nhân đạo, khiến hàng vạn người dân phải tự gồng gánh đưa vợ con thoát khỏi các đô thị, có người phải đi bộ hàng ngàn km, mà còn làm phát sinh những đám đông [dễ lây dịch] ở các chốt kiểm soát, ở các văn phòng cung cấp các loại giấy phép ra đường.

Đặc biệt là chủ trương đưa những người bị coi là F1 đi cách li cưỡng bức. Tập trung hàng ngàn, hàng chục ngàn con người vào những cơ sở tạm bợ, thiếu thốn điều kiện vệ sinh, điều kiện tự chăm sóc này, không chỉ tạo ra những ổ lây lan dịch mới, mà còn để lại những chấn thương tinh thần cho những F1 may mắn không bị lây dịch bệnh.

Nhà báo đặt vấn đề, ai xứng đáng được sống an toàn nhờ sự hi sinh của những người bị coi là F1 này.

 

 

Hình: Cựu Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 – người đã đưa ra những chính sách chống dịch sai lầm, gây ra thảm họa nhân đạo

 

Về vụ chuyến bay giải cứu, nhà báo tiếp tục đặt vấn đề, tại sao không có một quốc gia nào trên thế giới, giữa tâm dịch, ban hành những chính sách cản trở công dân tha hương của mình trở về.

Chỉ có chuyến bay VN06 của Vietnam Airlines chở 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo về Nội Bài hôm 29/7/2020 là có yếu tố giải cứu. Hàng trăm nghìn công dân Việt Nam khác đang học tập sinh sống ở nước ngoài, đã bị rơi vào một thảm họa nhân đạo, không thể về nhà, không chỉ bởi dịch bệnh, mà còn bởi các chính sách chống dịch của chính nước mình.

Nhà báo cho rằng, không phải ở thời điểm ấy, mạng xã hội không lên tiếng. Thay vì càng những lúc hiểm nguy, càng cần những tư duy độc lập, càng cần những tiếng nói phản biện, thì báo chí vẫn theo truyền thống, càng tích cực xưng tụng trong các dàn đồng ca.

Nhà báo nhận định, một mô hình chống dịch đúng chỉ có thể dựa trên sự hiểu biết chứ không thể dựa trên sự ngạo mạn. Thực tế cho thấy, càng không học hỏi kinh nghiệm quốc tế được WHO đúc rút, càng cố gắng để trở nên “duy nhất”, thảm họa cho dân càng trở nên khác thường nhất.

Từ tháng 9/2020, các hãng dược lớn đã thông báo cho các quốc gia là sắp có vaccine, nhưng, sau đó Việt Nam vẫn không có kế hoạch gì. Phải đến tháng 6/2021, khi Campuchia đã đạt tỉ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới, Việt Nam mới thành lập Ban chỉ đạo tiêm vaccine toàn quốc.

Vẫn theo nhà báo, bảo vệ người dân trong nước và bảo hộ công dân ở nước ngoài là bổn phận của mọi chính phủ. Không có chính sách nào đúng, kể cả trong tình trạng khẩn cấp, mà đẩy dân vào tình thế khó khăn hơn, bất chấp những quyền căn bản, bất chấp phẩm giá.

Những kẻ rắp tâm chia chác từ chính sách, khi đất nước đang ở trong thảm họa, và người dân đang trong hoạn nạn, thì chỉ có thể ban hành những chính sách rất gần với tội ác. Nhưng, những kẻ háo danh, lấy việc thực hiện bổn phận để đánh bóng tên tuổi, cũng không hơn gì bọn chia chác. Có những cuộc trình diễn chỉ sử dụng “cờ đèn kèn trống”; có những cuộc trình diễn là xác người.

 

Minh Vũ – thoibao.de

>>> Có bao nhiêu công an là tội phạm?

>>> Trung Quốc dụ dỗ Việt Nam cùng duy trì lý tưởng Cộng sản

>>> Bong bóng VFS vỡ chỉ sau một ngày

>>> Liệu có còn tia hy vọng nào cho Nguyễn Văn Chưởng?

Cú ngã lớn của VinFast